Hiện trường vụ tai nạn xảy ra rạng sáng ngày 28/6 ở P.Tân Quý (Q. Tân Phú, TP HCM). (Ảnh: TTO)
Kẻ gây tai nạn lái chiếc taxi, xuống xe nhìn hai nạn nhân rồi thản nhiên lên xe, bỏ mặc cho họ nằm thoi thóp chờ chết giữa cảnh khuya thanh vắng. Người đi đường cũng dừng lại. Rồi cũng lặng lẽ rút lui trước sinh mạng hai con người đang cần lắm những bàn tay nhân ái…
Là tài xế có nhiều năm chạy tuyến đường dài, tôi đã gặp rất nhiều chuyện tương tự như vậy. Trước sinh mạng của những người đang cần được mình cứu giúp, rồi mình sẽ bị liên lụy là cả diễn biến nội tâm phức tạp trong tôi.
Trong khoảnh khắc đó, nếu như lòng từ tâm không thắng nổi những gì cơ chế xã hội tạo ra, và cả sự hồ đồ của người nhà nạn nhân dành cho mình thì cũng đành phải ngoảnh mặt như những người khác mà thôi.
Từng tham gia cứu người nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) dọc đường, sau mỗi vụ như vậy là tôi chuốc lấy ít nhiều phiền lụy rồi tự dặn mình đừng làm "Lục Vân Tiên" nữa. Nhưng rồi sau đó lại không nỡ ngoảnh mặt, quay lưng trước sinh mạng những người đang cần mình dang tay cứu giúp.
Câu chuyện cứu người bị TNGT của tôi cách đây không lâu, diễn ra ở quốc lộ 55, thuộc xã Bình Châu, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một ví dụ. Lúc ấy trời còn lãng đãng sương, xe tôi ngang qua một khúc cua khuất tầm nhìn thì khựng lại vì bị hai chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ chắn ngang đường.
Xuống xe, nhìn kỹ, tôi tá hỏa thấy hai nạn nhân, nằm giữa lòng đường, máu me bê bết. Cứu người ư? Tôi cứ phân vân vì đang chở Sếp đi công chuyện... Đấu tranh trong lòng một thoáng rồi tôi đem ý nghĩ trình bày với sếp đang ngồi trên xe. Và tôi nhận được sự đồng tình "cứu người là trên hết".
Đến bệnh viện, sau một hồi tham gia cấp cứu, các y bác sĩ cho tôi biết một người đã qua cơn nguy kịch, người còn lại cần phải chuyển lên tuyến trên.
Chưa kịp mừng, thì tôi bị phía bệnh viện bắt làm các thủ tục thanh toán viện phí cho nạn nhân! rồi bị câu lưu chờ các cơ quan chức năng đến làm việc. Cũng may sếp tôi là nhà báo. Gần trưa, ông cùng CSGT và người nhà nạn nhân có mặt tại bệnh viện để "giải phóng" cho tôi.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường ngày 25/6. (Ảnh: MINH HÒA)
Vụ cứu người thứ hai gần đây nhất của tôi xảy ra trên tỉnh lộ 864 hướng từ cao tốc Trung Lương về Bến Tre. Đó là một vụ va chạm giữa xe tải với một xe gắn máy khiến người điều khiển xe máy bị thương nặng.
Sau cú va chạm đó, rất người dân sống hai ven đường túa ra đứng chật như nêm. Nhưng họ chỉ đứng chỉ chỏ. Không một ai tới cứu giúp nạn nhân.
Thấy tình hình khá nguy cấp, tôi tức tốc mở cửa sau xe, lấy túi cứu thương ra ga-rô cầm máu. Xong tôi lấy điện thoại gọi xe cứu thương nhưng đợi mãi không thấy đến.
Cứu người là phải cứu đến cùng, tôi quyết định quay xe của mình lại rồi đưa nạn nhân lên ghế sau, tức tốc đến bệnh viện.
Thông thường khi gây tai nạn, tài xế sợ bị hành hung mà lánh mặt. Thế là số phận nạn nhân phụ thuộc vào lòng từ tâm của người đi đường.
Những việc làm đơn giản cần được thực hiện kịp thời như: nới thắt lưng ra giúp họ dễ thở; ga-rô những vết thương đang ra nhiều máu; dùng nẹp cố định chân tay họ bị gãy (nếu có); nâng đầu cao lên, mở dây nón bảo hiểm... giúp họ duy trì hơi thở… Tất cả những hành động ấy sẽ giúp nạn nhân thoát chết.
Nhưng những việc ấy rất ít người biết. Họ sợ sơ cứu không đúng cách sẽ làm tình trạng sức khỏe nạn nhân xấu hơn.
Một trường hợp say rượu bị tai nạn giao thông ở Q.Phú Nhuận, TP HCM. (Ảnh: T.T.D).
Một yếu tố khác mà bất kỳ người ra tay cứu giúp nạn nhân TNGT đều ngại là kiểu "làm phúc phải tội".
Đưa nạn nhân đến nơi cấp cứu thì vướng phải "cơ chế" của bệnh viện là phải đóng viện phí trước; ký biên bản chịu trách nhiệm nếu cuộc phẩu thuật không thành công...; bị người nhà nạn nhân hành hung vì tưởng mình gây tai nạn; bị cơ quan công an mời làm bản tường trình ....khi chưa bắt được người gây ra tai nạn...
Giúp người bị nạn mà chuốc lấy phiền phức như thế thì chả trách ai cũng ngại.
TNGT đang tiềm ẩn khắp nơi. Hiểm họa này có thể đến bất kỳ nơi đâu và bất kỳ ai. Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh nghiệt ngã của nạn nhân mà ra tay cứu giúp.
Đối với cơ quan chức năng nên có cơ chế khuyến khích, tránh làm khó cho người tham gia cứu nạn. Nên có chương trình tập huấn cấp cứu nạn nhân trong các trường đào tạo lái xe. Với người nhà nạn nhân, không được hồ đồ, tập trung cứu người là việc cần làm trước tiên. Còn chuyện lỗi, phải đã có cơ quan chức năng giải quyết.
Những tài xế không may gây tai nạn, trước hết phải tìm mọi cách để cứu sống nạn nhân, phải coi sinh mạng con người là trên hết. Những tài xế bỏ mặc nạn nhân, để cho họ mang thương tật nhiều hơn, hoặc phải chết do không được cấp cứu kịp thời là người có máu lạnh.
Hành vi ấy chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng phạt đích đáng và người đời lên án.