Muốn xuống biển, người dân Đà Nẵng lo sợ tai nạn khi băng qua đường

Người dân và du khách đi bộ tắc qua đường Võ Nguyên Giáp để xuống biển Mỹ Khê gặp nhiều khó khăn vì lượng xe cộ đông đúc vào sáng sớm và chiều tối.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp là tuyến đường được đánh giá đẹp nhất ven bờ biển Đà Nẵng, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với chiều dài gần 8 km, gồm 2 làn đường, mỗi làn rộng 15 m, vỉa hè mỗi bên rộng hơn 9 m.

Để xuống biển Mỹ Khê vui chơi, người dân và khách du lịch bắt buộc phải băng ngang qua đường Võ Nguyên Giáp.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-21 lúc 15

Người dân đi qua đường Võ Nguyên Giáp xuống tắm biển Mỹ Khê khi nhiều xe ô tô đang chạy, tiềm ẩn tai nạn. (Ảnh: Văn Luận).

Nếu như khoảng 9-10 năm về trước, tuyến đường này lượng xe cộ chưa đông đúc, mọi người thoải mái đi lại thì những năm gần đây đã khác rất nhiều. Đường luôn trong tình trạng chật chội, hỗn loạn bởi lưu lượng xe đông đúc. Nguyên nhân do tốc độ phát triển của dịch vụ du lịch lưu trú tăng cao, khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tại ven đường biển, có gần 500 cơ sở lưu trú với khoảng 19.000 phòng ở, chưa tính các dịch vụ nhà hàng, ăn uống nhỏ.

Ngoài ra, lượng xe tăng nhanh trên địa bàn TP Đà Nẵng và từ các địa phương đổ về khiến tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp thường xuyên ùn tắc, một số vụ tai nạn xảy ra giữa người đi bộ và các phương tiện.

"Mỗi lần qua đường Võ Nguyên Giáp để tắm biển tôi rất sợ tai nạn. Tôi phải nhìn trước, nhìn sau, vì xe chạy quá đông mà không có xe nào chịu nhường đường khi mình vẫy tay", chị Na, một khách du lịch ở tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Chị Nga (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) nêu tình trạng, chiều nào gia đình chị cũng dẫn con xuống biển Mỹ Khê tắm. Muốn xuống biển phải đi qua đường Võ Nguyên Giáp, chị và chồng phải cõng hoặc nắm chặt tay con vì xe nhiều, chạy rất nguy hiểm.

"Tôi sợ nhất là taxi, xe khách du lịch trên 16 chỗ, cả xe điện nữa. Những xe này chạy bát nháo, nhanh khủng khiếp khiến đi bộ qua đường mà ám ảnh, lo tai nạn vô cùng. Mặc dù mình đi đúng vạch kẻ cho người đi bộ nhưng họ đâu có nhường đường", chị Nga nói.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-21 lúc 15

Dù hầm đi bộ ở sát bên cạnh khoảng 5m nhưng người dân vẫn đi bộ trên mặt đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Văn Luận).

Theo khảo sát của chúng tôi, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp có khoảng 20 vạch kẻ đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, khách du lịch từ khách sạn muốn xuống biển nhanh chóng, đi băng qua đường trước khách sạn mình ở mà không đi trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.

Tháng 4/2016, Đà Nẵng đã khai trương đường hầm đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp ra biển, được xây dựng trước khách sạn Holiday Beach Đà Nẵng.

Hầm đi bộ này gồm 2 hầm hở, có chiều dài 20m, hầm kín dài gần 30m, rộng 7m.

Dù đường hầm đi bộ được đưa vào hoạt động hơn 3 năm nhưng nhiều du khách và người dân cũng không đi qua đường hầm này khi xuống biển, mà vẫn đi băng tự nhiên qua đường Võ Nguyên Giáp.

Theo vài khách du lịch chúng tôi tham vấn ý kiến, họ cũng rất muốn sử dụng hầm đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp an toàn. Tuy nhiên do khách sạn lưu trú ở xa, muốn sử dụng phải đi tiếp một quãng đường dài hàng trăm mét khiến họ không mặn mà.

Làm gờ giảm tốc, xây hầm, cầu đi bộ hỗ trợ người dân đi qua đường Võ Nguyên Giáp

Tìm hiểu của chúng tôi, vừa qua, tháng 5 vừa qua, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã triển khai hạng mục gờ giảm tốc để thí điểm giải pháp hỗ trợ người đi bộ qua đường trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-21 lúc 15

Sở GTVT TP Đà Nẵng đã triển khai hạng mục gờ giảm tốc để thí điểm giải pháp hỗ trợ người đi bộ qua đường trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Văn Luận).

Theo đó, vị trí lựa chọn để thí điểm lối đi bộ nâng cao nằm giữa ranh giới hai cổng ra vào Nhà khách T20 (Quân khu 5) trên đường Võ Nguyên Giáp dài khoảng 30m. Đây là nơi có lượng khách du lịch và tắm biển tập trung.

Công trình bố trí hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn tín hiệu cảnh báo cho phương tiện lưu thông trên tuyến Võ Nguyên Giáp về vị trí thí điểm lối đi bộ qua đường.

Trước mắt, đèn tín hiệu sẽ vận hành ở chế độ nháy vàng để lưu ý phương tiện nhường đường cho khách bộ hành tại vị trí dành cho người đi bộ theo quy định.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-21 lúc 15

Người dân và khách du lịch sẽ bấm nút để báo hiệu xin đường đi bộ tại hạng mục gờ giảm tốc. (Ảnh: Văn Luận).

Ngoài ra, để định hướng người đi bộ đi đúng vị trí cho phép, công trình có lắp đặt một đoạn rào chắn dài dọc vỉa hè phía biển.

Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình giao thông qua khu vực thí điểm gờ giảm tốc, để qua đó bổ sung các giải pháp phù hợp hơn nhằm hạn chế tai nạn giao thông xảy ra. Nếu thí điểm đạt kết quả tốt, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-21 lúc 15

Xe ô tô nhường người đi bộ tại gờ giảm tốc thí điểm. (Ảnh: Văn Luận).

Tìm hiểu của chúng tôi, tại thông báo số 182 ngày 15/11/2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý sẽ xây dựng hầm, cầu đi bộ tuyến đường ven biển Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp để giải quyết vấn đề giao thông, an toàn cho người đi bộ tại khu vực ven biển. Sở GTVT được giao thực hiện.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.