Tài sản của gia đình ông Nguyễn Văn Kim ra sao sau 5 năm bán cổ phần chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim?

Sau khi bán chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho đại gia Thái Lan, công ty đầu tư của gia đình ông Nguyễn Văn Kim đang sở hữu hàng loạt bất động sản và nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp tên tuổi.

Cổ đông bí ẩn của nhà Nguyễn Kim 

CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cùng với CTCP Thương mại Nguyễn Kim và CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT là ba công ty thuộc hệ thống Nguyễn Kim Group do ông Nguyễn Văn Kim, sinh năm 1969 sáng lập.

Trong đó, Thương mại Nguyễn Kim là đơn vị quản lí hệ thống điện máy Nguyễn Kim và Công ty NKT là công ty mẹ sở hữu 100% cổ phần, vận hành chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim - một trong hai chuỗi điện máy lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

NKT hiện đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Central Group. Trong đó 49% được chuyển nhượng năm 2015 (giá trị thương vụ không được tiết lộ) và 51% còn lại trị giá 2.600 tỷ đồng đã hoàn tất trong năm nay. 

Thương vụ được các nhà phân tích đánh giá là khôn ngoan của gia đình ông Kim, sau khi chứng kiến lĩnh vực kinh doanh chuỗi siêu thị điện máy đã đến giai đoạn bão hoà, trong khi sức ép cạnh tranh đang vô cùng khốc liệt với sự hiện diện của Điện Máy Xanh.

Hiện tại, pháp nhân lõi nắm gần như toàn bộ hoạt động đầu tư của gia đình ông Kim là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID). Công ty này đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nguồn vốn NKID cũng đã được tăng thêm sau khi ông Kim chuyển nhượng chuỗi siêu thị Nguyễn Kim cho Central Group từ năm 2015.

Khối tài sản khổng lồ của nhà Nguyễn Kim - Ảnh 1.

Sơ đồ hệ sinh thái nhà Nguyễn Kim. (Đồ hoạ: Chu Toàn).

NKID được thành lập ngày 6/3/2007 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, do ông Kim làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Vốn điều lệ doanh nghiệp ban đầu là 800 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập. 

Trong đó, ông Nguyễn Văn Kim và vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nắm giữ 46,37% cổ phần công ty. Còn lại CTCP Dược phẩm 3/2, CTCP Hoàn Mỹ, CTCP Thương mại Sài Gòn Kho Vận nắm số cổ phần không đáng kể, chỉ 0,36% mỗi đơn vị. 

Hơn 50% số cổ phần còn lại tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID) không được công ty công bố. 

Đến tháng 10/2017, NKID nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Theo công bố, 100% số vốn này đến từ tư nhân. Danh sách cổ đông không được NKID công bố.

Tháng 4/2019, NKID giảm vốn xuống 3.781 tỷ đồng. Một tháng sau, doanh nghiệp tiếp tục giảm vốn chủ sở hữu về 3.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, ông Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1994), con trai ông Kim lên thay làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty.

"Hệ sinh thái" xung quanh Nguyễn Kim (NKID)

Theo số liệu chúng tôi có được, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của NKID là 5.123 tỷ đồng, giảm 33% so với thời điểm đầu năm (sau khi giảm vốn điều lệ). Trong đó vốn chủ sở hữu là 3.044 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tài sản doanh nghiệp. Nợ phải trả là 2.078 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm và chủ yếu là vay nợ dài hạn.

Ẩn số Nguyễn Kim trong sai phạm của ông Tất Thành Cang - Ảnh 2.

Đỉnh cao trong kinh doanh của CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim ghi nhận được là vào năm 2017, với tổng doanh thu thuần đạt 115 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 29 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 3,8 lần so với năm liền trước đó. Từ đó đến nay tình hình kinh doanh của NKID có chiều hướng đi xuống, cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Song theo chúng tôi, con số này không phản ánh đúng thực trạng của công ty, bởi NKID còn có gần 40 công ty con và công ty liên kết, doanh thu dao động từ vài chục tới vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Trong một bản tin tuyển dụng, NKID cũng tự giới thiệu mình là Tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, tài chính, dược, nông nghiệp.

Trong số hàng chục công ty con của NKID, đáng kể nhất là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – mã: AGM) với doanh thu hàng năm lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

Ẩn số Nguyễn Kim trong sai phạm của ông Tất Thành Cang - Ảnh 3.

Ngoài ra, với lĩnh vực nông nghiệp, thông qua vai trò là cổ đông lớn, Nguyễn Kim đã nắm quyền chi phối tại một loạt các doanh nghiệp như Hoàn Mỹ, Angimex, Du lịch An Giang, Sài Gòn Lương Thực hay Docimexco. Đây đều là những doanh nghiệp có thâm niên trong ngành nông nghiệp.

Với dược phẩm, tháng 5/2019, Nguyễn Kim hoàn tất mua hơn 1,36 triệu cổ phần của CTCP Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar), với giá trị ước tính gần 43 tỷ đồng, qua đó nâng sở hữu lên 51,15%.

Trước đó, năm 2014 Nguyễn Kim đã rót tiền vào Dược Lâm Đồng và có kế hoạch thâu tóm vào năm 2017 khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn.

Nắm trong tay nhiều dự án bất động sản

Mặc dù hoạt động khá kín tiếng trên thị trường bất động sản, song từ nhiều năm nay, NKID đã âm thầm trở thành chủ đầu tư ở những dự án có nguồn gốc đất công.

Đơn cử, mới nhất tháng 12/2019, NIKD được UBND tỉnh Buôn Ma Thuột lựa chọn là nhà đầu tư dự án Khu Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột, quy mô hơn 9.700 m2 tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, theo hình thức chỉ định thầu.

Tháng 1/2018, Nguyễn Kim cũng là 1 trong 2 chủ đầu tư được xướng tên tham gia xây dựng Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP HCM, quy mô hơn 3.600 m2 tại quận Tân Bình, TP HCM.

Ẩn số Nguyễn Kim trong sai phạm của ông Tất Thành Cang - Ảnh 5.

Trung tâm Văn hóa Điện Ảnh TP HCM mà Nguyễn Kim là một trong hai chủ đầu tư. (Ảnh: Coteccons).

Năm 2016, cái tên Nguyễn Kim cũng được nhắc tới nhiều khi doanh nghiệp này được UBND tỷnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định cho thuê đất thực hiện dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Giải trí Văn phòng và Khách sạn Nguyễn Kim, thuộc Khu du lịch - thương mại Hùng Vương, Phú Hội, TP Huế, với diện tích 6.126,8 m2. Thời hạn thuê 50 năm.

Nguyễn Kim cũng mở rộng phát triển ra thị trường bất động sản phía bắc khi rót tiền vào CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi để sở hữu 20% cổ phần công ty này. Tràng Thi là doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án "đất vàng" tại Hà Nội như Trung tâm Thương mại dịch vụ và Nhà ở Xuân Thủy, Tổ hợp Trung tâm Thương mại dịch vụ Cát Linh,…

Gần đây nhất, 11/2020, sau 4 năm bắt tay với Nguyễn Kim, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã: SCR) đã chính thức ra quyết nghị chuyển nhượng 220.000 cổ phần (tương ứng với 11% vốn) tại CTCP Đầu tư Địa ốc Kim Thành cho CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim.

Được biết, Địa ốc Kim Thành được thành lập từ cuối năm 2016 với vốn góp 20 tỷ đồng, trong đó TTC Land nắm tỷ lệ 59%, Nguyễn Kim nắm 40% và một cá nhân sở hữu 1% cổ phần công ty.

Thương vụ gặp trở ngại hiếm hoi của Nguyễn Kim hiện nay đó chính là khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Liên quan đến hàng loạt sai phạm tại hai công ty Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Sadeco, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đến nay đã khởi tố hàng loạt cán bộ có liên quan.

Theo kết luận của Thanh tra TP HCM về những sai phạm của ông Tất Thành Cang có nêu, thương vụ CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Mã: NKID) mua lại 9 triệu cổ phiếu CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, được thực hiện trái chỉ đạo, vi phạm quy định về quản lí và sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí.

Cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố tổng cộng 20 bị can trong vụ việc này và đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Trong danh sách này có cả ông Phạm Nhật Vinh, Tổng Giám đốc NKID cũng là thành viên HĐQT Sadeco.

Ông Phạm Nhật Vinh là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bất động sản từng đảm nhiệm các vị trí như: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID),...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.