Tại sao phải dùng 3 loại thuốc độc thi hành án tử hình?

Quy trình tiêm thuốc độc cho tử tù được chia làm 3 bước: tiêm thuốc làm mất tri giác, tiêm thuốc làm liệt hệ vận động và tiêm thuốc ngừng hoạt động của tim.

Cử tri kiến nghị tử hình phạm nhân bằng lá ngón cho tiết kiệm

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay 4/5, cử tri Trần Ngọc Toán (Hoàn Kiếm) nêu vấn đề, tiêm thuốc tử hình phạm nhân như hiện nay gây tốn kém ngân sách. Do đó, ông Toán kiến nghị dùng lá ngón thay thế để tiết kiệm ngân sách.

Cử tri lý giải việc đưa ra kiến nghị này: Việc điều chỉnh, bổ sung, thay thế các điều luật là hết sức cần thiết nhằm phù hợp quá trình phát triển xã hội, quản lý nhà nước hiệu quả. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bởi lẽ xã hội luôn phát triển thì xã hội luôn nảy sinh những vấn đề mới mà các nhà làm luật chưa thể định hướng trước được. Pháp luật cũ không còn phù hợp do đó, việc bổ sung, sửa đổi để điều chỉnh luật là điều đương nhiên.

Cử tri Toán cũng đề nghị Quốc hội cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong Bộ luật hình sự. Theo ông Toán, hiện nay tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng cả về tính chất lẫn quy mô, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Nguyên nhân cơ bản là do mức độ xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe, đặc biệt đối với những hành vi như chống đối người thi hành công vụ, uống rượu bia lái xe, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, tiêu thụ thực phẩm bẩn nguy hại, xâm hại tình dục, đặc biệt tội phạm buôn bán ma túy ngày càng tăng với số lượng rất lớn…

Về xử lý phạm nhân án tử hình, cử tri Toán cho rằng tiêm thuốc như hiện nay gây tốn kém ngân sách mà thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.

"Tại sao chúng ta không dùng phương pháp rất đơn giản và hiệu quả nhất là lá ngón, đỡ tốn kém. Dùng lá ngón, hình phạt tự tử tù phải ăn, chỉ cần 11 lá ngón là thi hành án xong rồi", cử tri Toán nêu ý kiến.

Cử tri cho rằng, chúng ta cũng không nên có chính sách giảm án hàng năm, như vậy không có tính răn đe, dễ gây tiêu cực trong quá trình giam giữ. Chỉ nên giảm án, đặc xá với những tội phạm không gây nguy hiểm cho xã hội như tội vô ý hay năng lực yếu kém…

Tại sao phải dùng 3 loại thuốc độc thi hành án tử hình? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thực hiện như thế nào?

Theo Điều 59 Luật Thi hành án hình sự của Quốc hội số 53/2010/QH10, từ ngày 1/7/2011, thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc, thay cho hình thức xử bắn đã được áp dụng trước đó. Cũng theo Điều này, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.

Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình; trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trước khi thi hành án tử hình, người chấp hành án tử hình được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân. Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định đối với người bị tạm giam.

Việc thi án án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được quy định rất cụ thể tại Nghị định 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 47/2013/NĐ-CP).

Theo đó, lúc thi hành án tử hình mỗi tử tù sẽ được tiêm 1 liều bao gồm 3 loại thuốc sau: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm liệt hệ vận động, thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Nơi thực hiện thi hành án tử hình phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho thi hành án, gồm: Giường nằm có các đai dùng để cố định tử tù; Ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; Máy kiểm tra nhịp đập của tim; Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án; Các dụng cụ và trang thiết bị khác.

Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.

Trước giờ thi hành án, cơ quan chức năng phải chuẩn bị đủ 3 liều thuốc, mỗi liều bao gồm 3 loại thuốc như đã nêu trên (trong đó có 2 liều dự phòng). Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận, niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Trước khi được tiêm thuốc, người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông mạch máu. Việc tiêm thuốc cho người bị thi hành án tử hình do cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm.

Đầu tiên, cán bộ trực tiếp thi hành án phải chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng). Sau đó, cán bộ trực tiếp thi hành án xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm. Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch.

Tiếp đến, cán bộ trực tiếp thi hành án sẽ đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự:

Bước 1: Tiêm thuốc làm mất trí giác. Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất trí giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất trí giác.

Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.

Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Sau khi tiêm xong 3 mũi, kiểm tra hoạt động tim của tử tù qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai.

Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.

Bác sĩ pháp y sẽ tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình. Nếu bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.

Việc thực hiện các bước tiêm thuốc độc vào tử tù có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.