Tạm dừng giãn cách, khách muốn du lịch Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sa Pa, Phú Quốc... cần điều kiện gì?

Có những tín hiệu rõ nét để có thể mở cửa du lịch Việt Nam, tuy nhiên ngành du lịch đang chờ hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành.

Từ 14/10 người dân đi lại không cần xét nghiệm

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4, khi hầu hết các tỉnh thành đều áp dụng giãn cách xã hội.

Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Chính phủ đã cho phép một số địa phương như Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang) được thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc-xin.

Mới đây nhất, ngày 11/10, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, cả nước được phân loại thành 4 cấp độ dịch khác nhau: Cấp 1 là khu vực nguy cơ thấp, cấp 2 là nguy cơ trung bình, cấp 3 có nguy cơ cao và cuối cùng cấp 4 có nguy cơ rất cao.

Đáng chú ý, theo nghị quyết này, các điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm du lịch ở vùng cấp 1, 2 được hoạt động bình thường; cấp 3,4 được hoạt động hạn chế hoặc ngừng hoạt động.

Đối với việc đi lại của người dân, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cho biết, từ 14/10, sẽ không chỉ định xét nghiệm; trừ trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế.

Du lịch mở cửa, du khách muốn đi Đà Nẵng, Sa Pa, Phú Quốc... cần điều kiện gì? - Ảnh 1.

Lào Cai đã mở cửa du lịch với khách nội tỉnh từ tháng 9. (Ảnh: Kiều Anh).

Nhiều địa phương đã chuẩn bị mở cửa du lịch từ tháng 9

Sau khi Chính phủ và Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn với Covid-19, các sở du lịch địa phương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa đón khách.

Tuy nhiên, từ tháng 9, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đã chuẩn bị các phương án để từng bước mở cửa trở lại. 

Là một trong các địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tiêm chủng mũi thứ nhất, hơn 100 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, hiện tại Quảng Ninh đã cơ bản mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ nội tỉnh. 

Ngày 14/10, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản, trong đó nêu rõ địa phương thực hiện theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế. 

Như vậy, người vào Quảng Ninh không chỉ định xét nghiệm, trừ trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế, phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Lào Cai cũng đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khôi phục một số hoạt động kinh doanh, du lịch, dịch vụ, đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới từ 10/9.

Trước đó, ngày 9/10, tỉnh cũng ban hành văn bản quy định một số biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ địa phương khác. 

Đối với người đến/về từ các khu vực có nguy cơ rất cao, phải thực hiện cách ly tập trung  từ 7 đến 14 ngày. Đối với người đến/về từ các khu vực nguy cơ cao và có nguy cơ, thực hiện cách ly tại nhà từ 7 đến 14 ngày. Hiện tại, sau thông báo mới của Bộ Y tế, tỉnh chưa cập nhật thêm. 

Ông Lê Anh Đại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai trả lời VOV, đối với du khách, cũng phải đặt ra tiêu chí như khách có thẻ xanh, khách được tiêm hai mũi, hoặc là khách hoàn toàn khỏe mạnh, test Covid-19 kết quả âm tính... 

Khi xếp được tour, tất cả các đoàn khách phải đảm bảo giãn cách, đi trọn gói, khép kín, không tiếp xúc với đoàn khác, ở các khu vực nghỉ dưỡng biệt lập, có sự giãn cách với nhau, ví dụ tại khách sạn thì chỉ ở tầng 10, tầng 8, tầng 6…

Bên cạnh du lịch nội tỉnh, ngành du lịch Lào Cai cũng đã chuẩn bị phương án đón khách ngoại tỉnh và khách nước ngoài như ưu tiên hoàn tất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả nhân lực du lịch; kích cầu du lịch “bong bóng xanh”...

Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng các phương án đón khách du lịch trong nước và nước ngoài. Trao đổi với VOV,  bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã trình UBND TP Đà Nẵng hai phương án đón khách du lịch trở lại. 

Đối với khách nội địa, dự kiến từ 20/10 tới sẽ khôi phục hình thức du lịch tại chỗ để phục vụ người dân thành phố. Từ tháng 11, sẽ tổ chức mô hình "bong bóng du lịch" giữa Đà Nẵng và một số địa phương để khai thác, trao đổi nguồn khách như: Quảng Nam, Quảng Ninh.

Đối với nhóm khách quốc tế, thành phố dự kiến thí điểm đón khách từ tháng 11 đối với nhóm khách thương mại và Việt kiều nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện công vụ, thăm thân, hồi hương và nhóm khách du lịch quốc tế theo mô hình tour, combo du lịch từ các nước có chính sách mở cửa du lịch, có hộ chiếu vắc-xin như Hàn Quốc và Nga.

Tạm dừng giãn cách, khách muốn du lịch Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sa Pa, Phú Quốc... cần điều kiện gì? - Ảnh 2.

Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng các phương án đón khách du lịch trong nước và nước ngoài. (Ảnh: Tạp chí tài chính).

Phú Quốc (Kiên Giang) là địa phương được phê duyệt thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc-xin. Tuy nhiên, thời gian cụ thể vẫn chưa được xác định. 

Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế ở Phú Quốc, trên cơ sở đó xem xét tiếp tục mở rộng ra một số địa phương đủ điều kiện khác. Lộ trình mở rộng đón khách du lịch quốc tế ở Việt Nam sẽ được xác định tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng.

Ngành du lịch đang chờ hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành

Tại chương trình giao lưu trực tuyến trên báo Đầu tư với chủ đề “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả” ngày 14/10, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, đã có nhiều tín hiệu, điều kiện để ngành du lịch có thể mở cửa.

Đơn cả như tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin nhiều tiến triển tốt tại một số trung tâm du lịch lớn như TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng...

Theo ông Chính, nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 11/10 đã chuyển chiến lược sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đưa ra nhiều vấn đề mới.

Thứ nhất, quy mô đánh giá đưa cấp đánh giá và khoanh vùng dập dịch đến cấp xã, phường. Thứ hai, tiêu chí đánh giá ca nhiễm đã chuyển từ theo ngày sang tuần. Thứ ba, đã có yếu tố về độ phủ tiêm vắc-xin tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, ngành du lịch vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.