TP HCM: 101 người nhiễm vi rút Zika | |
TP HCM thử nghiệm kỹ thuật phun xịt hóa chất mới ngăn chặn vi rút Zika |
Đổ xô đi tầm soát Zika
Tại Bệnh viện Từ Dũ nhiều thai phụ khi đến thăm khám đều có nhu cầu tầm soát về vi rút Zika. |
Chị L.T.Q (quê ở Long An) đang mang thai 18 tuần tuổi đến Bệnh viện Từ Dũ từ khá sớm với mục đích tầm soát vi rút Zika. “Đọc báo tôi thấy vi rút Zika lây qua đường muỗi chích, sợ hóa chất thuốc diệt muỗi ảnh hưởng đến thai nhi nên gia đình không phun thuốc. Nhưng mấy hôm nay người tôi đau nhức, thỉnh thoảng sốt và mệt nên muốn đi xét nghiệm cho yên tâm”, chị Q. lo lắng nói trong lúc chờ khám.
Theo TS. BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thì thời gian qua nhiều thai phụ khi đến thăm khám tại bệnh viện đều có nhu cầu tầm soát về vi rút Zika. Tính đến đầu tháng 12, Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện khám thai cho 26.240 thai phụ, phát hiện có 9 thai phụ nhiễm vi rút Zika.
Trong đó, 1 trường hợp xẩy thai tự nhiên, 1 trường hợp tự nguyện bỏ thai nhi do mang thai ngoài ý muốn, 1 trường hợp vừa sinh con đêm ngày 28/11 và không phát hiện thai nhi có biểu hiện đầu nhỏ. 6 thai phụ còn lại đang được theo dõi, điều trị.
Tại Bệnh viện Hùng Vương cũng gặp tình trạng tương tự, nhiều thai phụ mong muốn được tầm soát vi rút Zika do lo sợ tật đầu nhỏ ở thai nhi. TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện cho biết đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã tầm soát 17 ca nghi ngờ nhiễm Zika. Trong đó 14 ca được gửi về Viện Pasteur, 3 ca gửi về BV Nhiệt đới xét nghiệm. Hiện tại bệnh viện hiện đang quản lý 3 trường hợp gồm một thai phụ 13.5 tuần, một thai phụ 28 tuần và một thai phụ 35 tuần tuổi. Ngoài ra, có một sản phụ đã sinh bình thường, một trường hợp thai lưu buộc phải dừng thai kỳ ở tuần thứ 7.
Còn theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới, từ ngày 22/10 đến nay, Khoa Xét nghiệm của bệnh viện đã thực hiện 22 mẫu xét nghiệm, trong đó 13 thai phụ, 1 phụ nữ, 2 nam giới và 6 trẻ em được gửi RT- PCR vi rút Zika. Trước đó, bệnh viện đã thực hiện khám sàng lọc, điều trị ngoại trú cho 55 trường hợp nghi ngờ, giám sát lấy mẫu gửi Viện Pasteur theo qui định của Bộ Y tế. Có 12 bệnh nhân có chỉ định nhập viện theo qui định, cho vào cách ly tại khoa Nhiễm D.
Nhiều thai phụ không quan tâm
Nhiều thai phụ có suy nghĩ thai nhi đã lớn nên lơ là với biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika. |
Bên cạnh những trường hợp trên lại có khá nhiều thai phụ vẫn chủ quan với dịch bệnh vi rút Zika, thậm chí có thai phụ ở ngay trong “tâm dịch” của thành phố cũng hoàn toàn thờ ơ trong việc phòng bệnh.
Sáng ngày 7/12, chị H. (ngụ tại quận Bình Thạnh) đang mang thai 29 tuần tuổi đi khám thai theo định kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Theo lời chị H., lúc trước có nghe đến vi rút Zika nhưng hiện tại không nghe thêm thông tin về dịch nữa. “Tôi không quan tâm vì thai nhi lớn rồi. Do đi làm cả ngày nên cũng không để ý tới công tác tuyên truyền của địa phương. Có thấy báo đài đưa thông tin ở một số nơi nước đọng thì phải diệt muỗi”, chị H. nói.
Tương tự, có nhiều thai phụ ở các tỉnh xa hoàn toàn không biết gì về dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Chị P.L.L (quê ở Bình Dương) cho rằng, bình thường đi ngủ vẫn giăng mùng, ở nhà mặc quần áo dài nhưng không thể tránh được việc muỗi chích. Mới đây tôi có làm xét nghiệm máu kết quả bình thường nên rất yên tâm trước dịch bệnh này. Theo chi L. tại địa phương nơi chị sinh sống có nhiều người cũng không biết về việc phòng chống dịch bệnh.
Hiện tại, ngành y tế TP HCM đã ghi nhận 103 trường nhiễm vi rút Zika, trong đó có 13 thai phụ đang được theo dõi theo quy định. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP cho biết, vi rút Zika là dịch bệnh mới nên chi phí 700.000 đồng/người để tầm soát cho thai phụ được thành phố thanh toán. Đây là giai đoạn rất quan trọng, tầm soát dịch vi rút Zika, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng đã ban hành quy trình thu dung điều trị thai phụ bị nhiễm vi rút Zika. Thai phụ có những biểu hiện như hồng ban da, sốt nhẹ 37.5oC đến 38o, đau đầu, đau mỏi cơ khớp và viêm kết mạc mắt cần làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm bệnh.
Thai phụ sau xét nghiệm kết quả dương tính với vi rút Zika, nếu điều trị tại nhà cần nghỉ ngơi, hạ sốt bằng Paracetamol, không sử dụng aspirin và các thuốc thuộc nhóm chống viêm không Steroid (NSAID); cần bù nước và điện giải bằng cách uống đủ nước (nước chín, nước trái cây hoặc Oresol); vệ sinh mắt bằng NaCl 0.9%, theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ… Nếu thai phụ được chẩn đoán xác định nhiễm Zika, cần siêu âm tiền sản mỗi 2 - 4 tuần (khoảng cách giữa các lần siêu âm tuỳ thuộc tuổi thai) để đánh giá cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai. |