Ngay sau khi được tín nhiệm cử làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã có những chia sẻ nhanh với báo chí về các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt trong công tác Mặt trận.
Tân Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
- Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn, trước tiên xin được chúc mừng ông vừa được Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namtín nhiệm cử giữ chức vụ Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Xin đồng chí cho biết cảm nghĩ của mình vào lúc này?
Trước hết, thay mặt cho các vị được vinh dự nhận trọng trách mới, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các cụ, các vị và các đồng chí trong UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tín nhiệm, thống nhất hiệp thương chúng tôi tham gia vào Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, và cử tôi làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao cho tôi.
Trải qua gần 87 năm, một chặng đường lịch sử vẻ vang, đầy tự hào, MTTQ Việt Nam thực sự là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới hoạt động, chăm lo xây dựng tổ chức, hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam và cá nhân, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các vị Chủ tịch tiền nhiệm, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Mặt trận đã gây dựng và tạo nên bề dày truyền thống của MTTQ Việt Nam.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đã để lại nhiều dấu ấn đổi mới quan trọng, nêu cao tinh thần: Mặt trận lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin; trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân; nỗ lực hoàn thiện cơ chế về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đổi mới các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường sự gắn kết trong phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên.
Tôi tin tưởng, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, đầu tàu kinh tế, một trong những trung tâm văn hóa, khoa học và giáo dục hàng đầu của đất nước.
Trước những thời cơ và thách thức mới đang đặt ra, để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, sự kỳ vọng của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Chủ tịch, những định hướng lớn nào về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được chú trọng trong thời gian tới?
Kế thừa tâm huyết và những đóng góp của các vị lãnh đạo tiền nhiệm, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình cùng các cụ, các vị, các đồng chí trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam góp phần thiết thực vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trước mắt là triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 8 và Chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2017 của MTTQ Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đảm bảo vừa có tính kế thừa, vừa đổi mới, có định hướng lâu dài, tạo cơ chế để công tác Mặt trận ở các cấp hoạt động đạt kết quả cao hơn nữa; đồng thời Mặt trận phải là nơi nói lên tiếng nói của nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, cổ vũ sáng kiến, hội tụ trí tuệ của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài… tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng, sức mạnh tổng hợp vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; xứng đáng với vị trí là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Cùng với những định hướng lớn nêu trên, theo Chủ tịch, công tác Mặt trận trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào?
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động, tích cực phát huy vai trò của mình trong việc củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức.
Những kết quả đạt được của công tác Mặt trận được trong thời gian qua là rất đáng khích lệ, nhưng khó khăn, thách thức cũng không phải là ít. Theo tôi, công tác Mặt trận trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
MTTQ Việt Nam cần duy trì thường xuyên và ngày càng thực chất hơn việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân để tạo sự đồng thuận, đoàn kết; đồng thời trân trọng lắng nghe, phản ánh và đồng hành, chia sẻ với những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân.
Trong công tác dân tộc, tôn giáo, MTTQ Việt Nam cần thường xuyên sâu sát, gắn bó để nắm bắt tâm tư, tình cảm và giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo; quan tâm phối hợp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về cơ chế, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
MTTQ Việt Nam cần chủ động triển khai nhiều giải pháp, nội dung cụ thể, thực chất hơn trong việc gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài thực sự là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam.
Mặt trận cũng cần chủ động hơn trong nghiên cứu, phối hợp đề xuất với Đảng, Nhà nước tháo gỡ về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào ta ở nước ngoài về nước kinh doanh, làm ăn, sinh sống được ổn định, thuận lợi; đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút nhân tài là kiều bào ta ở nước ngoài cống hiến xây dựng quê hương đất nước.
Thứ ba, đẩy mạnh việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.
Tôi cho rằng, đến thời điểm này, chưa bao giờ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được thể hiện đầy đủ như hiện nay.
Điều đó được khẳng định trong Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam và các đạo luật có liên quan.
Ngày 15/6/2017 vừa qua, sau một thời gian tích cực phối hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành ký kết Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đây là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, là điều kiện để hệ thống MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng cơ chế, phương pháp và quy trình để phát huy thực sự vai trò giám sát của mỗi người dân và cộng đồng dân cư; tập trung giám sát, phản biện xã hội trực diện đối với những nội dung, lĩnh vực cử tri, nhân dân và xã hội quan tâm, bức xúc.
Thứ tư, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, chú trọng và phát huy vai trò, sự gắn kết của các tổ chức thành viên để tạo nên sự đa dạng, sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực này.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới một cách thực chất hơn về nội dung, phương thức hoạt động trong hệ thống MTTQ Việt Nam; coi trọng củng cố về tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, phát huy vai trò của các hội đồng, ban tư vấn, các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận các cấp. Hoàn thiện cơ chế phối hợp, phát huy hiệu quả trong thống nhất hành động giữa các thành viên MTTQ Việt Nam.
- Thưa Chủ tịch, có thể thấy là nhiệm vụ trước mắt còn hết sức nặng nề, đồng chí muốn gửi đến nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài điều gì vào lúc này?
Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm như tôi vừa nêu, thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của Nhà nước, sự phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên, sự quan tâm phối hợp của các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trong cả nước, để MTTQ Việt Nam hoàn thành được sứ mệnh của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,văn minh”.
Nhân dịp này, tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tích cực tham gia vào các công việc của MTTQ Việt Nam, qua đó tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi cũng mong nhận được sự quan tâm phối hợp của các cụ, các vị, các đồng chí trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và UBTƯ MTTQ Việt Nam; nhận được sự chung sức, đồng lòng của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam để giúp tôi hoàn thành trọng trách của mình.
Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch về cuộc phỏng vấn này!