Cử tri lo lắng vì nạn khai thác cát, sỏi trái phép hoành hành ở một số địa phương

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội sáng 21/5, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.459 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên. Cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương chấn chỉnh, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá, hủy hoại rừng.

“Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương; việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn ra công khai ở một số nơi.

Cử tri và nhân dân cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của ‘lợi ích nhóm’ và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh,” báo cáo nêu rõ.

cu tri lo lang vi nan khai thac cat soi trai phep hoanh hanh o mot so dia phuong
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội sáng 21/5. Ảnh: VTV

Trên cơ sở các ý kiến của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ 6 kiến nghị.

Một trong những kiến nghị này có liên quan đến tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng. Cụ thể là:

“Về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017, nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt.

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm”.

Về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép hoành hành ở một số địa phương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết một số trường hợp cụ thể là:

“Trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, kè, ruộng đất canh tác, cây trồng của người dân, như: Ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) thuộc địa phận thị xã Chí Linh (sông Thái Bình) thuộc huyện Cẩm Giàng; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (khu vực sông Luộc).

UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản, cắm bảng cấm khai thác cát 19 điểm bị sạt lở nghiêm trọng trên sông Krông Nô; UBND huyện Lắk (Đắk Lắk), đã có đề xuất đưa 24 khu vực tại 5 xã dọc bờ sông Krông Nô và Krông Ana bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 10 km vào diện cấm khai thác cát.

Từ năm 2013 TP Hồ Chí Minh đã ngưng cấp phép khai thác cát mới nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, nhất là ở các tuyến sông giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tiền Giang.”

Về tình trạng phá rừng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết một số vụ việc cụ thể là:

“Vụ phá rừng thông hơn 40 năm tuổi tại tiểu khu 151, thuộc phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Vụ hơn 142 m3 gỗ quý bị chặt hạ trái phép tại rừng Phong Quang, tỉnh Hà Giang tháng 3/2018.

Tình trạng chặt phá rừng xảy ra ở tiểu khu 1297, thuộc đồi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Vụ chặt phá trái phép hàng trăm cây thông đang còn sống tại rừng cộng đồng bon Bu Koh, thuộc tiểu khu 1491, xã Đắk R’tih, tỉnh Đắk Nông.

Vụ việc triệt phá xưởng gỗ lậu số lượng lớn trong vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk - Đắk Nông.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, diện tích rừng bị thiệt hại là 308 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 92 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 216 ha.”

Ngày 21/5, chúng tôi đã đăng tải bài viết phản ánh về một “đại công trường” khai thác cát vàng trên sông Lô, đoạn giáp ranh với tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Cụ thể, sáng 18/5, tại sông Lô đoạn giáp ranh giữa xã Tử Đà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) và các xã Tứ Yên, Yên Thạch (cùng thuộc huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), chúng tôi thấy có khoảng 30 phương tiện đang khai thác cát trên sông.

Các phương tiện này bao gồm tàu cuốc, tàu chở hàng, máy xúc đặt trên các thiết bị nổi, thiết bị nổi chứa cát sỏi (giống như xà lan). Đối với các tàu chở hàng thì đây phần lớn là các tàu hạng nặng, có nhiều tàu là loại lên tới 1000 m3.

cu tri lo lang vi nan khai thac cat soi trai phep hoanh hanh o mot so dia phuong
Một số phương tiện đang khai thác cát trên sông Lô.

Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo của cả 3 xã (Tử Đà, Tứ Yên, Yên Thạch) đều cho biết, vị trí có nhóm phương tiện khai thác cát nói trên không thuộc địa bàn của họ quản lý. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, lãnh đạo các xã này cũng không rõ nhóm tàu thuyền này tồn tại từ bao giờ, từ đâu mà có.

Trong khi chưa rõ vị trí này chính xác là thuộc địa phương nào thì ngày qua ngày, "đại công trường" khai thác cát bất thường nói trên vẫn tồn tại, ngang nhiên khai thác cát mà không bị kiểm tra.

Đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản (trong đó có cát) thì ngoài UBND cấp xã, rất nhiều lực lượng khác có trách nhiệm quản lý như: Cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường, công an các cấp...

Tuy nhiên, trong suốt buổi sáng (18/5) có mặt tại khúc sông chảy qua địa bàn giáp ranh các xã Tử Đà - Tứ Yên - Yên Thạch, chúng tôi không thấy có lực lượng chức năng nào tuần tra kiểm soát hoặc tiến hành kiểm tra nhóm phương tiện khai thác cát bất thường nói trên.

Theo một số người chuyên hoạt động trong lĩnh vực cát, sỏi thì giá cát vàng hiện tại ở Phú Thọ được bán với giá 220.000 đồng một m3. Một chiếc tàu loại 500 m3 tới mua cát sẽ phải trả hơn 100 triệu đồng.

Giả sử, "đại công trường" khai thác cát là trái phép và hàng chục chiếc tàu hạng nặng nói trên, mỗi tàu nhận được một chuyến cát đầy thì một ngày có bao nhiêu khoáng sản, bao nhiêu tiền thuế của nhà nước đã bị thất thoát?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh thông tin về tình trạng khai thác cát, sỏi tại khu vực này cũng như các địa phương khác trong cả nước như một kênh thông tin góp phần giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

cu tri lo lang vi nan khai thac cat soi trai phep hoanh hanh o mot so dia phuong 'Đại công trường ma' khai thác cát trên sông Lô, chính quyền không hay biết?

Hàng chục phương tiện bao gồm tàu cuốc, tàu chở hàng, thiết bị nổi chở máy xúc... rầm rộ khai thác cát giữa sông Lô, ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.