Nhân viên điện lực ghi chỉ số điện tại nhà một hộ dân ở quận Gò Vấp. (Ảnh: Duyên Phan)
Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN, đã thông tin như vậy tại buổi họp báo về tăng giá điện do Bộ Công thương tổ chức ngày 20/3.
Với quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng thêm 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân đã được chính thức điều chỉnh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), việc tăng giá bán lẻ điện dựa trên tính toán các yếu tố đầu vào gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành...
Cụ thể, từ ngày 5/1/2019, giá than cho sản xuất điện tăng 2,61-7,67% làm tăng chi phí hơn 3.000 tỉ đồng; đồng thời sẽ điều chỉnh tăng thêm bước 2 cùng thời điểm tăng giá điện khiến chi phí cho than tăng thêm hơn 3.000 tỉ đồng, chi phí nhập khẩu than cũng làm tăng thêm gần 2.000 tỉ đồng. Giá khí trên bao tiêu làm chi phí ước tăng hơn 5.800 tỉ đồng.
Ông Tri cho biết thêm do tỉ giá thay đổi, các khoản vay của EVN để thực hiện các dự án tăng và chi phí các nhà đầu tư bên ngoài EVN cũng tăng. Năm 2018, nhờ tiết kiệm chi phí nên EVN đã xử lý 4.500 tỉ đồng, phải thanh toán cho nhà đầu tư bên ngoài là 3.800 tỉ đồng.
Ông Tri cho hay EVN vẫn còn "treo" 3.000 tỉ đồng năm 2018 chưa phân bổ vào lần tăng giá điện này.
Ông Tri xác nhận việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% lần này sẽ giúp EVN tăng thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng/năm tài chính.
Tuy nhiên, do phải chi trả chi phí đầu vào như than, khí, chênh lệch tỉ giá... tổng chi phí mà EVN phải trả cỡ khoảng 21.000 tỉ đồng. Cho rằng EVN là trung gian thu trả nên không thể cáng đáng được, buộc đưa vào giá điện.
"Hiện EVN đã cố gắng tự nguyện hạch toán trả được 4.500 tỉ chênh lệch tỉ giá, phấn đấu cắt giảm không đưa vào giá điện" - ông Tri nói.
Bộ Công thương cho biết đã phối hợp cùng Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.
Theo đó, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3 sẽ làm CPI tăng 0,29-0,31%, khiến CPI năm 2019 tăng khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng này vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tác động của việc tăng giá điện tới từng hộ khách hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết với khách hàng dùng điện sinh hoạt phải trả thêm 7.000-77.200 đồng/tháng. Tỉ lệ khách hàng sử dụng ở mức dưới 100kWh chiếm tới 35,6% nên ông Tuấn cho rằng mức độ tác động tăng giá không nhiều.
Bộ Công thương cũng tính toán với các hộ sản xuất (có hơn 1,4 triệu) phải trả tiền điện bình quân là 12,39 triệu đồng, tăng thêm 869.000 đồng/tháng. Bộ này khảo sát 40 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện như sắt, thép, ximăng... cho thấy với doanh nghiệp ximăng chi phí tăng thêm 7,19%, tức trả thêm 13 triệu đồng/tháng; cũng có khách hàng tăng 95 triệu đồng; với thép trả thêm 50 triệu đồng/tháng...
Chúng tôi là người trung gian thu trả cho thiên hạ, là các đối tác cung cấp than, khí, các nhà máy điện bán cho EVN, các khoản thuế... EVN không thể nào cáng đáng được nên buộc đưa vào giá điện.
Ông Đinh Quang Tri
Hiện vẫn có băn khoăn EVN độc quyền. Ông Đinh Quang Tri trong trả lời đã kêu gọi nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư nguồn điện, vì tới đây EVN chỉ đầu tư 30% nguồn và tập trung xây dựng lưới điện truyền tải.
"Để xử lý triệt để vấn đề giá điện, phải có thị trường điện, người mua và bán tự thỏa thuận, EVN chỉ cung cấp truyền tải, từng khách hàng có thể tự mua qua công ty phân phối, tự đàm phán theo thị trường", ông Tri cho hay.
Ông Tuấn cho biết ngành điện cũng đang thực hiện việc công khai, minh bạch trên cơ sở định kỳ hằng tháng và quý cập nhật thông số đầu vào, chênh lệch tỉ giá... Hằng năm EVN phải thuê kiểm toán độc lập với sự tham gia của một số bộ ngành, cơ quan Quốc hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng...
Để tránh tình trạng "té nước theo mưa", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định Bộ Công thương đã đề nghị EVN công khai điều chỉnh giá điện, áp giá đúng đối tượng, mở chiến dịch vận động người dân và khách hàng sử dụng tham gia chương trình quản lý nhu cầu, sử dụng tiết kiệm điện...
Theo ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương, do kìm hãm tương đối lâu nên việc điều chỉnh giá điện cần phải làm, không phải vì EVN, mà trước hết vì sự phát triển của ngành điện, để thu hút đầu tư, thúc đẩy tiết kiệm. Tuy nhiên, ông Cung nhấn mạnh nếu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa, giá điện phải có tăng, có giảm.
"Phải minh bạch hơn về cơ cấu giá để các bên giám sát. Chỉ khi có giám sát hiệu quả, lúc đó mới có áp lực cũng như công cụ đánh giá khách quan" - ông Cung đề nghị.
Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN): Cần tạo cạnh tranh thực sự
Cơ cấu biểu giá bán lẻ trên chưa phù hợp, bởi tính độc quyền của ngành điện vẫn còn cao, chưa phải là thị trường rộng lớn, nhiều người mua và nhiều người bán.
Mặc dù lộ trình đưa ra nhưng thực tế thị trường trăm người mua, vạn người bán chưa có, rất ít doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nên chưa tạo được thị trường cạnh tranh thực sự.
Dù đã có thị trường điện cạnh tranh nhưng đến nay bán buôn chưa có, phát điện cạnh tranh mới chỉ mấy chục nhà máy bán ra, thì rất khó để có thị trường.
Trước mắt, cần đặt ra vấn đề yêu cầu các đơn vị sản xuất sử dụng công nghệ, tiết kiệm điện năng để không bị lãng phí nguồn điện.