Đến hẹn lại lên, như những thông tin báo chí phản ánh nhiều ngày qua, dù mới bước vào đầu năm học mới chưa đầy một tháng, nhưng các phụ huynh đã cảm nhận được “sức nóng” và “độ nặng” của các khoản đóng góp đầu năm.
TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED đã đưa ra quan điểm riêng về việc lạm thu đầu năm trong các trường học hiện nay.
TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED. (Ảnh: Vietnamnet)
PV: Những năm qua, lạm thu đầu năm trong các trường học đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên”. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
TS Nguyễn Khánh Trung: Có nhiều nguyên nhân, trước hết là chuyện lương bổng của các giáo viên và cán bộ quản lý của các trường, đây cũng là câu chuyện đã nói mãi như chuyện lạm thu. Theo tôi, muốn chống chuyện lạm thu, tham nhũng, phong bì quà cáp kiểu tiêu cực trong giáo dục như lâu nay, trước hết hãy tạo ra một môi trường thích hợp.
Cụ thể là cần tăng lương cho các giáo viên và cán bộ trong trường học một cách xứng đáng để họ có thể đủ sống và yên tâm tập trung vào nghề nghiệp và sứ mệnh của mình.
Tôi nghĩ với 20% ngân sách quốc gia dành cho giáo dục cùng với việc người dân bỏ tiền túi rất nhiều (Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu các nước Châu Á) đóng góp cho giáo dục như hiện nay. Nếu cộng lại, chúng ta đủ sức để trả lương cho các giáo viên một cách xứng đáng, thế nhưng tiền bạc đi đâu hết ?
Nguyên nhân thứ hai đến từ luật pháp. Sau khi đã tăng lương đầy đủ để người giáo viên và cán bộ quản lý trong trường học có thể sống với nghề, thì cần phải nghiêm trị những tội phạm trong trường học. Chẳng hạn nếu phát hiện ra trường cố tình lạm thu, thì hãy loại ngay những người liên quan ra khỏi ngành giáo dục và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Nguyên nhân thứ ba thuộc về “truyền thống”, chuyện lạm thu, cũng như nhiều chuyện tiêu cực khác trong trường học đã tồn tại từ lâu, trở thành “truyền thống” bền vững và có khi trở thành “chuẩn mực” trong xã hội. Nghĩa là nó trở thành phổ biến, bình thường trong não trạng của nhiều người, họ sẽ xem nhẹ hay bỏ qua.
Giải quyết vấn đề này rất khó so với hai điều đã nói ở trên vì nó là câu chuyện không của riêng nhà trường mà của toàn xã hội. Làm sao để trước các hiện tượng tiêu cực, bất công, người dân sẵn sàng dấn thân đấu tranh nhằm đem lại một môi trường xã hội trong sạch mà họ vẫn an toàn, được mọi người ủng hộ và bảo vệ. Khi mỗi người đều có ý thức và dứt khoát bài trừ tiêu cực như vậy, thì chắc chắn chuyện lạm thu cũng như những tiêu cực khác sẽ được khống chế.
PV: Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành “cánh tay nối dài của hiệu trưởng” trong chuyện lạm thu, do đó, nên loại bỏ Ban này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Khánh Trung: Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, trong một số trường hợp nên là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng và các giáo viên, nhưng không phải để lạm thu tiền bạc mà để giáo dục con em mình, hỗ trợ nhà trường trong các sự kiện lớn vì lợi ích của học sinh.
Tuy nhiên, ban đại diện được các phụ huynh bầu, nên cũng là người đại diện phụ huynh để giám sát các hoạt động của nhà trường, đáng lý ra trong câu chuyện lạm thu, khi phát hiện ra, thì ban đại diện phải lên tiếng và phải đấu tranh với tiêu cực. Tóm lại, ban đại diện phụ huynh nên có, nhưng hãy loại bỏ các ban nào tiếp tay cho tiêu cực.
PV: Được biết ông từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục tại các nước như Pháp, Hà Lan, vậy tại các quốc gia này, có tồn tại Ban đại diện cha mẹ học sinh như ở Việt Nam và họ hoạt động như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Khánh Trung: Ở Phần Lan và ở Pháp đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng tôi chưa thấy họ lạm thu gì. Ngược lại, họ hỗ trợ nhà trường rất tích cực trong các hoạt động. Ở Pháp chẳng hạn, nơi ngôi trường con tôi đang học, hàng năm ban đại diện cha mẹ học sinh hàng năm đều đứng ra tổ chức các lễ hội lớn, nhất là lễ hội Noel và lễ hội kết thúc năm học. Lễ hội với những tiết mục văn nghệ dành cho tất cả các học sinh để giáo dục các cháu các kỹ năng khác nhau, nhưng cũng để quyên góp tiền quỹ thông qua các hoạt động. Chúng tôi chưa bao giờ phải đóng góp tiền bạc trực tiếp cho nhà trường hay cho ban đại diện phụ huynh, nhưng chỉ ủng hộ bằng cách tiêu thụ “hàng hoá” của hội phụ huynh như trả tiền để ăn tối do hội tổ chức.
Số tiền thu được, ban đại diện phụ huynh lại ủng hộ các cháu, chẳng hạn như góp phần lo cho các cháu một chuyến đi tham quan xa hay mua thêm cho các học sinh một số đồ chơi ở sân trường.
PV: Xin cảm ơn ông!