Tạo điều kiện tối đa phát triển nhà ở xã hội

Trước nhu cầu mua nhà ở ngày càng tăng của người có thu nhập thấp, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, mức vốn cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà; thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm... 

Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới, nhiều người cho rằng, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện tối đa để phát triển nhà ở xã hội.

Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành: Thêm nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội

Theo Nghị định số 100/2015/ NĐ-CP của Chính phủ, dự án dưới 10 ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước... Bởi vậy, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% khiến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội bị thu hẹp. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã khắc phục được bất cập này khi quy định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại đô thị loại II, loại III phải dành 20% diện tích quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội và cũng không còn quy định lựa chọn nộp tiền hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội. Như vậy, sẽ tạo thêm nhiều quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh: Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp

Nghị định số 49/2021/NĐ-CP quy định, trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà; thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm (tăng thêm 10 năm so với quy định cũ). Hiện lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ. Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp khi mua nhà ở xã hội, cải thiện nơi ăn, chốn ở.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai Nguyễn Cao Thắng: Xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án

Nghị định số 49/2021/NĐ-CP quy định rõ, để xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội, căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan chức năng phải xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án. Việc sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Như vậy, các chủ đầu tư cần thấy rõ trách nhiệm của mình, tuân thủ đúng quy định.

Bà Nguyễn Diệu Linh, tòa nhà 12A, dự án Kim Văn - Kim Lũ, phường Định Công, quận Hoàng Mai: Chú trọng nâng cao chất lượng nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp hoàn cảnh những hộ khó khăn về nhà ở. Việc tiếp tục sửa đổi các điều kiện để phát triển quỹ nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người mua đã cho thấy tính nhân văn của chính sách và sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư và người mua nhà, cần có quy định cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, tránh tình trạng người dân chắt chiu dành dụm tiền để sở hữu nhà ở chất lượng thấp.

Ông Nguyễn Văn Cường, khu tập thể Cầu 12, thôn Cổ Bi, huyện Gia Lâm: Giúp những người thu nhập thấp sở hữu nhà ở xã hội

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã có quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội và đã có hơn 2.000 tỷ đồng nộp ngân sách để phát triển nhà ở xã hội... UBND thành phố cũng thực hiện một số giải pháp như rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; kiên quyết thu hồi, hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội; triển khai các dự án nhà ở xã hội tại 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín. Tôi tin tưởng, Nghị định số 49/ 2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để thành phố giúp những công nhân thu nhập thấp như chúng tôi mua được nhà ở xã hội.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.