Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH)
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH), lợi nhuận sau thuế trong kỳ có bước sụt giảm mạnh chỉ đạt 168 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.270 tỷ đồng, tăng gần 14%.
Trong quý III, doanh thu phí bảo hiểm thuần tăng trên 21% so với cùng kỳ năm trước đạt 5.830 tỷ đồng, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và doanh thu khác tăng gần 90% đạt hơn 148 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi bồi thường và đáo hạn cũng tăng tương ứng 22% góp phần nâng mức lỗ thuần từ kinh doanh bảo hiểm lên 723 tỷ đồng, tăng 58%. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 10% đạt 1.000 tỷ đồng nhưng không cải thiện nhiều việc sụt giảm của lợi nhuận của BVH.
Tổng hợp kết quả kinh doanh quý III của Tập đoàn Bảo Việt (Nguồn: BCTC Tập đoàn)
Tính đến 30/9/2017, tổng tài sản của BVH đạt 85.783 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm. Số dư tiền gửi ngân hàng của Tập đoàn là 1.424 tỷ đồng, đồng thời có khoảng 1.570 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền bao gồm các hợp đồng tiền gửi tại các tổ chức tài chính có kỳ hạn không quá 3 tháng, lãi suất từ 4,3% - 5,5%/năm.
Tập đoàn hiện có 6 công ty con, 8 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh (chi tiết bảng dưới). Ngoài ra, BVH còn đầu tư vào một số công ty khác như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, CTCP Thuỷ điện Bắc Hà, Dự án Tháp Tài chính quốc tế (IFT),... với tổng giá trị 367 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đang đầu tư vào Dự án Khu biệt thự nhà vườn Quang Minh – Vĩnh Phúc với giá trị khoảng 45 tỷ đồng.
Ngày 31/8/2017, thông qua Quỹ BVIF, Tập đoàn đã mua 35% cổ phần của PLT với tổng giá trị giao dịch là 97,65 tỷ đồng. Theo đó, PLT trở thành công ty liên kết của Tập đoàn, tuy nhiên khoản đầu tư này đang được Tập đoàn nắm giữ cho mục đích kinh doanh và có thể bán trong tương lại gần.
Chi tiết các công ty con và công ty liên kết của Tập đoàn (Nguồn: BCTC BVH)
Giá trị thuần các khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn vào cuối tháng 9 ở mức 71.769 tỷ đồng. Trong đó, giá trị chứng khoán kinh doanh là 2.270 tỷ đồng, các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 66.654 tỷ đồng và đầu tư khác.
Trong danh mục chứng khoán nắm giữ, các cổ phiếu niêm yết như VNR, CMG, FPT, MBB, VCB, VOS,…có giá trị 1.395 tỷ đồng; các cổ phiếu chưa niêm yết như CTCP Tập đoàn SSG, Tổng Công ty hàng không Việt Nam,CTCP Đầu tư Phát triển điện miền Bắc, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam, Tập đoàn HIPT,…có giá trị 647 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ chiếm 228 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn bao gồm các khoản tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và tạm ứng từ giá trị hoàn lại. Trong đó, còn khoảng 675 tỷ đồng trái phiếu của Vinashin. Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ 4 -30 năm có lãi suất từ 7% - 15%, trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn từ 3 - 20 năm có lãi suất từ 8,5% - 10,8%.
Đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu do Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thuỷ (Vinashin nay là SBIC) phát hành, căn cứ vào lịch sử trả nợ gốc lãi, Tập đoàn đã dừng ghi nhận doanh thu lãi trái phiếu và thực hiện theo dõi ngoại bảng đối với lãi trái phiếu chưa thu được. Tập đoàn đã trích lập dự phòng theo thông tư 228. Đối với các khoản trái phiếu đáo hạn năm 2017, bắt đầu từ năm 2015, Tập đoàn thực hiện trích lập dự phòng 20%/năm trong 5 năm trên dư nợ gốc. Toàn bộ lãi dự thu đã ghi nhận trước đó cùng dự phòng có liên quan được theo dõi ngoại bảng.
Tương tự, đối với các khoản đầu tư tiền gửi vào Công ty Tài Chính Công Nghiệp Tàu Thuỷ (VFC) và Công ty Cho thuê Tài Chính Agribank đã quá hạn, căn cứ vào tình hình tài chính và khả năng trả nợ gốc lãi Tập đoàn đã trích lập dự phòng 100% phần gốc. Đồng thời dừng ghi nhận doanh thu lãi, thực hiện theo dõi ngoại bảng. Bắt đầu từ năm 2015, toàn bộ số lãi dự thu ghi nhận và dự phòng trước đó cũng được đưa ra ngoại bảng.