Tập đoàn Thái thâu tóm loạt dự án năng lượng tại Việt Nam

Công ty năng lượng Thái Lan Gunkul (Gunkul Engineering) gần đây đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn việc thâu tóm các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam, sau những tên tuổi khác cũng đến từ Thái Lan như Super Energy Corporation hay Eastern Power Group, Gulf Energy Development.
Tập đoàn Gunkul vươn 'vòi bạch tuộc' nắm loạt dự án năng lượng tại châu Á - Ảnh 1.

Công ty năng lượng Gunkul Engineering. (Đồ họa: Alex Chu).

Công ty năng lượng Thái Lan Gunkul (Gunkul Engineering) thời gian gần đây đang nổi lên với những thương vụ mua bán năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á.

Tham vọng thâu tóm thị trường năng lượng tái tạo khu vực châu Á

Gunkul được thành lập năm 1982 hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện. Sau đó, năm 2010, công ty đã chuyển sang phát triển kinh doanh năng lượng tái tạo.

Năm 2013, Gunkul lần đầu xuất hiện ở Myanmar với dự án Nhà máy điện động cơ khí công suất 25 MW. Khởi đầu cho tham vọng trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cả thị trường trong nước và khu vực châu Á.

Tính đến tháng 8/2020, Gunkul cho biết đang sở hữu 26 dự án với tổng công suất 638 MW tại 4 quốc gia là Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản và Việt Nam.

Với việc thâu tóm hàng loạt dự án năng lượng tại các quốc gia, tổng tài sản của Gunkul đang phình to dần qua các năm.

Tập đoàn Gunkul vương 'vòi bạch tuộc' nắm loạt dự án năng lượng tại châu Á - Ảnh 1.

Nguồn vốn và vốn chủ sở hữu của Gunkul qua các năm. (Nguồn: Gunkul).

Trong 3 năm gần nhất, nếu như tổng tài sản của công ty ở mức 30.726 triệu baht (tương đương 23.659 tỷ đồng) đã tăng lên 41.658 triệu baht (hơn 32.076 tỷ đồng).

Tập đoàn Gunkul vương vòi bạch tuộc nắm dự án năng lượng tại châu Á - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Gunkul những năm gần đây. (Nguồn: Gunkul).

Kết quả kinh doanh của Gunkul cũng cho thấy sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, Gunkul có hơn 3.388 triệu baht doanh thu và 1.008 triệu baht lãi sau thuế. Năm 2020, công ty này đặt mục tiêu doanh thu khoảng 8.000 triệu baht.

Tờ Bangkok Post dẫn lời bà Sopacha, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Gunkul, năm 2020 đánh dấu năm tăng trưởng thứ 5 liên tiếp của của công ty, phần lớn được đến từ các hợp đồng chìa khóa trao tay (dự án được xây dựng để có thể bán cho bất kì người mua nào dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh), các dự án phát triển mới và thương vụ mua lại tài sản.

Bà Sopacha cho biết, các hợp đồng chìa khóa trao tay chiếm 35 - 40% tổng doanh thu của công ty. Cùng với đó, các dự án nhà máy năng lượng có thể đảm bảo doanh thu dài hạn đóng góp tới 60 - 65% tổng doanh thu.

Gunkul đã đầu tư bao nhiêu vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

Năm 2020 được coi là một năm "bận rộn" của Gunkul tại Việt Nam. Đầu tháng 2/2020, trang Renewables Now đưa tin, Gunkul đã thông báo mua lại hai trang trại điện mặt trời tại Việt Nam là nhà máy Điện mặt trời Trí Việt 1 và Nhà máy điện mặt trời Bách Khoa Á Châu 1 với tổng công suất 60 MW.

Tổng số tiền mà Gunkul đã mua hai dự án từ tay Sungrow Power (Singapore) là 60,6 triệu USD (hơn 1.393 tỷ đồng).

Đây cũng được coi là phát súng đầu tiên mở màn việc thâu tóm các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam sau những tên tuổi khác như Super Energy Corporation hay Eastern Power Group, Gulf Energy Development.

Tiếp nối thương vụ, đầu tháng 12 vừa qua, Gunkul cũng đã chi 39,9 triệu USD (hơn 925 tỷ đồng) để trở thành chủ sở hữu của CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy, nhà đầu tư đứng sau dự án nhà máy điện mặt trời Phong Điền II tại Thừa Thiên Huế với công suất 50 MW.

Tập đoàn Gunkul vương 'vòi bạch tuộc' nắm loạt dự án năng lượng tại châu Á - Ảnh 4.

Gunkul đã chi hơn 925 tỷ đồng để mua lại toàn bộ dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: CTCP Lilama 18.1).

Ngay mới đây, ngày 14/12, Gunkul đã thông tin lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan về việc chi ra 47,1 triệu USD (khoảng 1.081 tỷ đồng) mua lại dự án Nhà máy Điện mặt trời Tân Châu tại tỉnh Tây Ninh với tổng công suất 50 MW cũng từ tay Sungrow Power.

Gunkul cho biết, dự án này sẽ giúp mở rộng hoạt động thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Đông Nam Á, một lĩnh vực mà công ty này cho là có tiềm năng tăng trưởng cao và rủi ro thấp, tạo nguồn thu ổn định dài hạn.

Trước đó hồi tháng 9/2020, bà Sopacha đã chia sẻ với tờ Bangkok Post, Gunkul đang đàm phán các hợp đồng mua lại tài sản trị giá 5 tỷ baht (3.850 tỷ đồng) với ba nhà đầu tư năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Các thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc muộn nhất vào đầu năm 2021.

Như vậy với những chuyển động sở hữu 4 dự án năng lượng tại Việt Nam, hiện Gunkul đã đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, tương đương với 4,41 tỷ baht vào mảng kinh doanh đang trên đà tăng trưởng này.

chọn
Hà Nội đang giải phóng mặt bằng để đấu giá khu đất vàng đối diện Aeon Mall Long Biên
Lô đất có diện tích 1,35 ha ở chân cầu Vĩnh Tuy thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên đang được giải phóng mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật để đấu giá.