Taxi Mai Linh hợp nhất ba miền thành Tập đoàn có vốn điều lệ 1.730 tỉ đồng

Tập đoàn Mai Linh với vốn điều lệ gần 1.730 tỉ đồng đã được hợp nhất và sẽ tiến hành đăng kí công ty đại chúng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vừa nhận được báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu hoán đổi của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh.

Theo báo cáo, số lượng cổ phiếu Mai Linh phát hành để hoán đổi cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP Mai Linh miền Bắc, Công ty CP Mai Linh miền Trung là gần 173 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, Mai Linh đã phân phối 22,3 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông Công ty CP Mai Linh Miền Bắc, 12,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông Công ty CP Mai Linh Miền Trung và 138,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh.

Taxi Mai Linh hợp nhất ba miền thành Tập đoàn có vốn điều lệ 1.730 tỉ đồng - Ảnh 1.

Tập đoàn Mai Linh với vốn điều lệ gần 1.730 tỉ đồng được hợp nhất từ Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP Mai Linh miền Bắc, Công ty CP Mai Linh miền Trung. Ảnh: M.L.

Tháng 6 năm ngoái, cả Mai Linh miền Bắc và Mai Linh miền Trung đều thông báo chốt danh sách cổ đông, để thực hiện hoán đổi cổ phần do hợp nhất doanh nghiệp với Mai Linh Group.

Theo trình tự, sau hợp nhất, Mai Linh Group, Mai Linh miền Bắc và Mai Linh miền Trung sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất và chấm dứt sự tồn tại của các công ty trên.

Sau hợp nhất, Mai Linh vẫn lấy tên là Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, với vốn điều lệ gần 1.730 tỉ đồng (tương đương giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu). Công ty mới sẽ kế thừa toàn bộ và hoạt động trên nền tảng khách hàng, sản phẩm công nghệ của các công ty thành phần.

Trước sáp nhập, Tập đoàn Mai Linh có vốn điều lệ hơn 1.000 tỉ đồng và sở hữu 47,86% vốn điều lệ của Mai Linh miền Bắc, 47,79% vốn điều lệ Mai Linh miền Trung.

Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh - ông Hồ Huy, từng cho biết sau khi Mai Linh hợp nhất sẽ đăng kí công ty đại chúng, đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung. Thậm chí, ông cũng đặt tham vọng sẽ xem xét niêm yết trên sàn Hong Kong, Singapore hoặc xa hơn là New York, sau khi căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế.

Báo cáo tài chính gần đây cho thấy tình hình kinh doanh của các công ty hợp nhất Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đều không mấy khả quan, khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với thời điểm huy hoàng trước đó.

Cụ thể, kết thúc quý I/2018,  CP Mai Linh miền Bắc tiếp tục báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 5 tỉ đồng, nợ phải trả tiếp tục chiếm trên 72%. Đây là năm thứ ba liên tiếp Mai Linh miền Bắc phải báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh, với hơn 46 tỉ đồng.

 Mai Linh miền Trung thời điểm này đạt 126,1 tỉ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 32,7% so với cùng kì. Lợi nhuận thuần lỗ 1,3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 300 triệu đồng.

Nguyên nhân của việc thua lỗ này được xem là có sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng xe công nghệ ở thời điểm đó, như Uber hay Grab.

Để ứng phó tình hình và xu hướng của khách hàng, Mai Linh cũng là hãng xe truyền thống tiên phong trong việc ra đời ứng dụng gọi xe, chính thức đối đầu với các tay chơi lớn, bằng việc ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ, vào cuối năm 2017.

Thời điểm đó, ông Hồ Huy từng cho biết hãng sẽ có khoảng 1 triệu tài xế xe ôm công nghệ gia nhập, với mức chiết khấu duy trì 15%, thấp hơn các tay chơi khác đang có trên thị trường. Đi sau những các hãng, ông chủ Mai Linh cho biết mảng gọi xe công nghệ chỉ là tay trái trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.