(Ảnh minh họa) |
Ngày 10/7, Bộ GTVT tiếp tục có thông báo về việc tham gia góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
"Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm)", dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 định nghĩa.
Đáng chú ý là tại Điều 6 của dự thảo cũng nêu rõ: "Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi".
Cũng tại Điều 6 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định đối với xe taxi tính tiền thông qua đồng hồ trên xe phải có phù hiệu "Xe taxi" gắn trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, xe taxi có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì và có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả. Đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát.
Đối với xe taxi tính tiền thông qua phần mềm, dự thảo cũng quy định phải có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm:
Thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại);
Thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND).
"Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Phần mềm tính tiền phải thông báo với Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định trước khi thực hiện.
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi được lựa chọn hộp đèn với chữ "Taxi" hoặc chữ "Taxi điện tử" để gắn cố định trên nóc xe trong trường hợp xe taxi sử dụng cả phương thức tính tiền bằng đồng hồ và phần mềm", dự thảo Nghị định nêu rõ.
(Ảnh minh họa: Báo Giao thông) |
Tại tờ trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT cho biết về quy định đối với xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (taxi điện tử); xe hợp đồng điện tử có hai ý kiến.
Ý kiến thứ nhất là như dự thảo Nghị định tại các Điều 6. Điều 7 và Điều 16 (dự thảo quy định có cả "Xe taxi điện tử" và "Xe hợp đồng điện tử" tham gia kinh doanh vận tải).
"Việc kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng được sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về Luật giao dịch điện tử, Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư", Tờ trình nêu rõ.
Ý kiến thứ nhất cũng cho rằng việc tồn tại của xe hợp đồng điện tử là phù hợp với pháp luật hiện hành và cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với việc ứng dụng hợp đồng điện tử nói chung và ứng dụng hợp đồng điện tử đối với xe từ 9 chỗ trở xuống nói riêng.
Đồng thời bổ sung ứng dụng tính tiền thông qua phần mềm thay thế cho đồng hồ tính tiền trên xe taxi để phù hợp với thực tế và đề xuất của hiệp hội taxi.
Ý kiến thứ hai (theo đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội và TP HCM) là toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả các phương tiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như đang hoạt động thí điểm hiện nay) phải là xe taxi.
Tuy nhiên, theo Tờ trình, Bộ GTVT thống nhất với ý kiến thứ nhất.
'Cuộc chiến với Grab': Taxi truyền thống xin 3 Bộ 'cởi trói'
Taxi truyền thống xin tăng thời gian kiểm định đồng hồ, tăng thời hạn khám sức khỏe và sử dụng tần số vô tuyến điện ... |