Sau đợt cưỡng chế 52 công trình nhà ở xây trái phép trên đất công, do UBND P.Long Bình phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) thực hiện vào giữa tháng 12/2019, nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất mà chỉ đành ngậm ngùi tự trách bản thân.
Nhà xây trái phép bị cưỡng chế, chồng bỏ đi để lại vợ bầu sắp sinh
Con đường chính dẫn vào khu tái định cư thuộc KP8A, P.Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) trước đây vốn đẹp đẽ vì được tráng nhựa bằng phẳng và rộng thênh thang, hứa hẹn một nơi đáng sống.
Nhưng vào những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, cảnh quan nơi này thật "u ám". Phía bên phải đường, từng đống gạch gói đổ vỡ, hàng đống xà bần nằm ngổn ngang; bên trái thì mọc lên những căn chòi bằng lều bạt được dựng tạm bợ, nằm sát vỉa hè. Bên trong những căn chòi này chứa đủ thứ đồ, từ giường, chiếu, bàn ghế, bếp núc và các vật dụng sinh hoạt cơ bản khác.
Chủ nhân của những căn lều trên là những công nhân, lao động nghèo. Nhà bị cưỡng chế, thuê trọ không có, họ đành phải sống tạm bợ, bên cạnh đống gạch ngói ngổn ngang vốn trước đó là mái ấm.
Như anh Nguyễn Trung Kiên (37 tuổi, ngụ Gia Lai), hành nghề chạy xe ba gác, vợ làm công nhân. Anh cho biết đã sống ở đất Biên Hòa với cái nghề này hơn 10 năm. Cách đây 2 năm, nghe mọi người kháo nhau đất trong này rẻ nên vào hỏi giá, thấy vừa tầm tiền nên quyết định mua. “Thời điểm đó tôi mua là trên 200 triệu cho lô đất 5x30m, sau đó hai vợ chồng vay mượn thêm 100 triệu nữa để cất căn nhà, tổng cộng cả đất lẫn nhà là 400 triệu” anh Kiên nói.
Theo anh Kiên, khi mua anh không biết đó là đất công, chỉ nghe chủ nói đất khai hoang, bán giá rẻ quá, vừa túi tiền, phát ham, nên nhắm mắt mua, chứ không rõ nguồn gốc đất ở đây cho lắm.
Anh Kiên than thở “Tài sản của tôi mấy trăm triệu giờ tan hoang, lại thêm đống nợ. Trong khi tôi chạy ba gác nó bấp bênh, có ngày vô mánh được 500.000 đồng, có ngày thì lại chưa đến 100.000 đồng, tết này chắc ăn tết ngoài đường luôn.”
Hôm PV Thanh Niên tìm tới, trong hàng loạt các căn chòi này đều vắng lặng, mọi người đã đi làm, chỉ mỗi anh Kiên nằm chán chường trên chiếc giường, thậm chí mùng còn không thèm dọn, kế bên là chiếc ba gác.
Nghe tiếng xe máy, anh uể oải ngồi dậy ngó ra, khi biết tôi không phải là khách đến thuê chở hàng, anh lại uể oải ngả người xuống.
Cũng lâm vào tình cảnh như anh Kiên, nhưng trường hợp của chị Phạm Thị Hằng (40 tuổi, ngụ Nghệ An) lại còn đáng thương hơn.
Chị có chồng và 1 đứa con, hiện tại đang mang thai đứa thứ 2, sắp sinh, nhưng chồng đã bỏ đi không hẹn ngày về. Chị nói như mếu “Chồng bỏ đi rồi, đi đâu không rõ nữa".
Gia đình chị Hằng lục đục vì trước đây vợ kiên quyết kêu chồng mua miếng đất này, chồng can mãi không được. Nên sau khi bị cưỡng chế, chồng chị Hằng chán nản, giận dữ "bỏ đi, không liên lạc được luôn”.
Đầu năm 2018, vợ chồng anh Bùi Văn Sơn (36 tuổi, ngụ Nghệ An) mang hết tài sản hai người tích góp trong nhiều năm, rồi vay mượn thêm để mua lô đất giá 5x30m với giá 250 triệu đồng trong khu đất công kể trên. Cũng như những công nhân khác, anh Sơn thấy giá rẻ, phù hợp túi tiền, đất không tranh chấp nên mua, anh thừa nhận là "đánh liều mua luôn vì thấy rẻ quá".
Mới đầu anh cũng chưa dám cất nhà, nhưng sau đó thấy nhiều người cất quá nên cũng xây đại. Anh Sơn cho hay “Tiền dành dụm, tiền cưới xin, quà cáp, hai bên nội ngoại chỉ có 80 triệu đồng thôi, còn lại là vay mượn. Cuối năm 2018, trên khu đất đó nhà mọc quá trời rồi, bà chủ đất cũng bảo cất mà ở đi. Vậy là tôi lại đi vay mượn người quen, cầm cả sổ đỏ ở ngoài quê cất nhà.”
“Tôi chỉ xây dựng 15 m, hết 200 triệu, 15 m còn lại làm vườn rau, trồng cây trái, đây là mong ước của tôi từ khi bước chân vào Đồng Nai lập nghiệp. Có nhà rồi tôi xác định từ nay cố gắng cày để trả nợ, nhưng không ngờ thành ra cớ sự thế này”, anh Sơn chán chường
Vợ anh Sơn cũng mang bầu, nên sau khi nhà bị cưỡng chế, anh thuê một căn nhà trọ để gia đình tá túc tạm thời. Khi được hỏi sắp tới tính thế nào, anh bảo để lo cho vợ đẻ xong xuôi đã, nếu sống không ổn thì hai vợ chồng dắt díu nhau nhau quay về quê.
Vì đâu nên nỗi?
Theo UBND P.Long Bình, khu đất trên có nguồn gốc là đất lâm nghiệp, trước đây do Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa quản lí, và có cho một số hộ dân thuê khoán. Năm 1990, khi đường điện 220kv Trị An - Long Bình đi qua khu đất này, Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa đã thanh lí toàn bộ các hợp đồng giao khoán với các hộ dân. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi diện tích khoảng 67 hécta, bàn giao cho UBND P.Long Bình quản lí.
Tiếp nhận đất của lâm nghiệp, UBND P.Long Bình tiến hành kiểm tra, đo đạc thì phát hiện tại đây có nhiều căn nhà xây dựng trái phép, số lượng nhà sau đó tăng dần lên 52 căn.
UBND P.Long Bình đã lập biên bản xử lí các trường hợp xây dựng trái phép dưới hành lang đường điện cao thế, đồng thời lắp bảng thông báo cấm các trường hợp phân lô bán nền, sang nhượng đất công. Tuy nhiên tình trạng mua bán giữa người dân với nhau vẫn diễn ra. Đến tháng 2/1/2019, chính quyền Biên Hòa quyết định cưỡng chế, lập lại trật tự.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi "Tại sao không quản lí chặt để người dân sang nhượng, mua bán đất công diễn ra rầm rộ, rồi sau đó xây dựng nhà cửa để rồi bây giờ tiến hành cưỡng chế, đập bỏ?".
Chủ tịch UBND P.Long Bình Nguyễn Quốc Vương cho rằng người dân biết hết, nhưng vì tham nên chấp nhận mua: “Trong khi khu tái định cư, một lô tương tự có giá hơn 1 tỉ đồng, còn đằng này ngay phía đối diện, chỉ 200 - 300 triệu đồng, thấy giá rẻ, người dân ham nên mua”.
Đối với việc "xây cất trái phép dễ dàng diễn ra" dễ dàng, ông Vương lí giải do người dân lén lút xây dựng vào ban đêm nên việc ngăn chặn chưa đạt hiệu quả.
Liên quan đến vụ 52 căn nhà xây trái phép này, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết trong quá trình cưỡng chế, nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, mua đất bằng giấy tờ viết tay nên UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp nhận các giấy tờ mua bán này, và chuyển sang cho cơ quan công an điều tra, xử lí đối với các đối tượng có hành tự ý phân lô, bán nền đất trái phép.