Thách thức nào chờ đón tân tổng thống trẻ nhất nước Pháp?

Hằn gắn đất nước đang bị chia rẽ, thách thức an ninh sau loạt cuộc tấn công khủng bố là hai trong số 5 thách thức lớn đối với ông Emmanuel Macron, tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp, sau khi đắc cử. 
thach thuc nao cho don tan tong thong tre nhat nuoc phap
Tân tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Theo kết quả kiểm phiếu hôm 7/5, ông Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến bước, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Pháp với 66,06% phiếu bầu, đánh bại tỷ lệ ủng hộ 33,94% của bà Marine Le Pen. Với kết quả này, ông Macron sẽ trở thành nguyên thủ Pháp trẻ nhất kể từ thời Napoleon.

Sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo trẻ của nước Pháp sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như vấn đề chia rẽ sâu sắc của đất nước, tỷ lệ thất nghiệp hay an ninh.

Đoàn kết nước Pháp

Ông Macron, nhà lãnh đạo trung dung với đường lối ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), sẽ dẫn dắt đất nước nơi gần một nửa cử tri ủng hộ các ứng viên cực đoan với tư tưởng chỉ trích EU, toàn cầu hóa và tầng lớp tinh hoa - điều đã thể hiện rõ từ vòng đầu tiên của cuộc bầu cử.

Theo AFP, "hai nước Pháp" bị chia rẽ về mặt địa lý, một là vùng đô thị có sức ảnh hưởng lớn và cởi mở với tư tưởng cải cách, một là vùng nông thôn tập trung ở phía bắc với các điều kiện khó khăn hơn. Phần lớn người dân ở khu vực phía bắc ủng hộ đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử là bà Marine Le Pen.

Macron biết rằng nhiều cử tri bỏ phiếu không phải vì bị thuyết phục trước quan điểm của ông, mà đơn giản là chỉ muốn ngăn bà Le Pen lên nắm quyền. Sự ủng hộ này có thể "bốc hơi" khi mùa bầu cử quốc hội diễn ra. Chuyên gia phân tích Stephane Rozes nhận định sự chia rẽ này vẫn sẽ tiếp tục khi mùa bầu cử quốc hội bắt đầu.

Thế đa số trung dung

Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron từng cam kết vượt ra khỏi ranh giới phe tả - hữu truyền thống để xây dựng một thế đa số trung dung mới. Macron thành lập và dẫn dắt trong trào Tiến bước chỉ chưa đầy một năm, nhưng đã thu hút hàng trăm nghìn người ủng hộ.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông đã giành được sự ủng hộ của một phần tư số phiếu bầu. Trong khi đó khi đối mặt trực tiếp với đối thủ Le Pen, ông giành hai phần ba số phiếu bầu. Tuy nhiên sau khi đắc cử, Macron cần biến sự ủng hộ lớn này thành cú hích để duy trì sự hiện diện trong Quốc hội.

Sau thành công trong cuộc bầu cử tổng thống, Macron tin rằng người dân Pháp sẽ tiếp tục trao ông cơ hội chiến thắng trong bầu cử quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 6. Tuy nhiên, phe trung tả truyền thống (với ứng viên là Francois Fillon, người bị đánh bại từ vòng bầu cử đầu tiên), đang nuôi hy vọng "phản công" và buộc ông Macron thành lập liên minh trong Quốc hội. Còn phe cực tả, với đại diện là Jean-Luc Melenchon, cũng đặt mục tiêu tương tự.

Cuộc chiến luật lao động

Ông Macron từng nhiều lần chỉ trích thất bại của Pháp trong việc giải quyết tỷ lệ thất nghiệp. Theo AFP, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp hiện nay là 10%, cao hơn mức trung biinfh 8% của EU và 3.9% của nước láng giềng Đức.

Cũng như những người tiền nhiệm trước đây, các quyết sách nhằm giải quyết vấn nạn thất nghiệp của ông Macron sẽ được chú ý hơn cả. Tân tổng thống từng tuyên bố sẽ cải cách luật lao động của Pháp với các lệnh hành pháp trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, việc thúc đẩy quá trình này có thể làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong những ngày đầu nhiệm kỳ của ông, khi các liên đoàn lao động nhiều khả năng tổ chức biểu tình, tương tự như hoạt động hồi năm ngoái khi phản ứng với Thủ tướng Manuel Valls.

Macron muốn cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% đến năm 2022, bằng cách tự do hóa luật lao động, nới lỏng các quy định về giờ làm của người lao động.

thach thuc nao cho don tan tong thong tre nhat nuoc phap
Người ủng hộ ăn mừng chiến thắng của Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Tấn công khủng bố

Cái chết của một sĩ quan cảnh sát ngay đại lộ Champs-Elysees, trung tâm thủ đô Paris, chỉ ba ngày trước vòng bầu cử đầu tiên, là lời cảnh báo vế mối đe dọa tấn công khủng bố Pháp. Hơn 230 người đã thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố, phần nhiều trong đó do tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành, kể từ tháng 1/2015 đến nay.

Chuyên gia Marc Hecker của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp lo ngại về các mối đe dọa trong tương lai, khi nhiều chiến binh Hồi giáo là người Pháp sẽ trở về quê hương từ Syria và Iraq.

Là người chưa có kinh nghiệm chính trị, ông Macron cần chứng tỏ bản lĩnh của mình trong thách thức an ninh này và vai trò tổng tư lệnh của nước Pháp. Tướng Jean-Paul Palomeros, cố vấn của ông Macron, dự đoán các cam kết quân sự của Pháp ở khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ không thay đổi. Ông Macron cũng muốn tăng cường khu vực biên giới ngoài EU và kêu gọi đẩy mạnh nguồn lực cho Cơ quan kiểm soát biên giới EU ( Frontex).

Cải cách EU

Sau cú sốc Anh rời EU (Brexit) và khủng hoảng di cư, ông Macron cho rằng việc khôi phục liên minh Pháp - Đức sẽ là yếu tố quan trọng để EU hưng thịnh trở lại. Trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông dự định công du các quốc gia châu Âu để bắt đầu lộ trình 5 năm, xây dựng ngân sách cho khu vực đồng Euro và tạo ra một châu Âu mạnh mẽ cho 27 thành viên trong lĩnh vực môi trường, công nghiệp và nhập cư. Macron đồng thời cam kết phát triển hợp tác quốc phòng châu Âu.

Vincenzo Scarpetta, chuyên gia phân tích châu Âu, lo ngại rằng kế hoạch của Macron có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với ông nghĩ. Vincenzo đặt ra câu hỏi rằng, khi ý tưởng táo bạo này cần thay đổi cả các hiệp ước, liệu nó có thực tế hay không.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.