Thái Bình giải ngân đầu tư công thuộc top đầu cả nước

6 tháng đầu năm, Thái Bình đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng, đạt trên 51% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 31% tổng kế hoạch vốn.

Một góc Thái Bình. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo Trang thông tin điện tử về tài sản công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Bình trong năm 2023 là trên 5.397 tỷ đồng, bao gồm trên 4.909 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 487 tỷ đồng địa phương giao thêm.

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Thái Bình, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng, đạt trên 51% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 31% tổng kế hoạch vốn. Hiện tỉnh Thái Bình đang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Năm nay, Thái Bình đang triển khai một số tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng như đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình và tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi Cầu Nghìn.

Có thể kể đến như tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, đoạn từ đường ven biển đến quốc lộ 37B. Dự án này có chiều dài hơn 13 km hiện đang được giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công xây dựng. Đoạn trên địa bàn huyện Tiền Hải có chiều dài 9,6km, đoạn trên địa bàn huyện Kiến Xương có chiều dài 3,47 km.

Đến tháng 5, huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương đã bàn giao 8,6/13,07 km mặt bằng đất nông nghiệp trên một số đoạn tuyến để nhà thầu triển khai thi công dự án.

Hiện tuyến đang vướng 16 vị trí có công trình hạ tầng kỹ thuật cắt ngang tuyến và nằm trong phạm vi GPMB cần phải di chuyển. Đơn vị thi công đã thi công hoàn thành khuôn đường, đang thi công đắp cát K95 nền đường 5,5/13,07 km, thi công đường công vụ nội tuyến và và các hạng mục khác. Giá trị xây lắp thực hiện đạt 103/1.582 tỷ đồng. 

Tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi Cầu Nghìn, theo báo cáo của CTCP Damsan (mã chứng khoán: ADS) - doanh nghiệp thực hiện dự án, tính đến 31/12/2022, sản lượng thực hiện dự án này mới đạt 45 tỷ đồng.

Về giải phóng mặt bằng tính đến tháng 2, dự án đã nhận bàn giao mặt bằng hơn 20 km, đạt 95%. Doanh nghiệp thực hiện dự án đề nghị UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành xây dựng dự án đến tháng 6/2025.

Tại tuyến ĐT.454 (đường 223 cũ) đoạn từ TP Thái Bình đến cầu Sa Cao, dự án này có tổng chiều dài gần 8 km. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai xây dựng từ đầu tuyến đến nút giao với đường ĐH13 dài 3,47 km trên địa bàn TP Thái Bình và huyện Vũ Thư; giai đoạn 2 từ nút giao với đường ĐH13 đến đường đê tả Hồng Hà II dài 4,5 km qua các xã Vũ Hội, Vũ Vân (Vũ Thư) và xã Vũ Thắng (Kiến Xương).

Đối với giai đoạn 1, công tác GPMB tại TP Thái Bình có chiều dài khoảng 1,27 km, qua địa phận xã Vũ Chính và phường Trần Lãm với diện tích khoảng 1,53 ha. Trong đó, đã hoàn thành GPMB diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Hiện còn vướng mắc một số diện tích đất ở tại nút giao đường vành đai phía Nam và xã Vũ Chính.

Tại huyện Vũ Thư, tuyến đường qua địa phận xã Vũ Hội có chiều dài khoảng 2,2 km với tổng diện tích khoảng 0,6 ha. Trong đó, đã phê duyệt và chi trả xong đất hành lang giao thông. Hiện còn vướng mắc một số hộ dân khu vực trước cửa UBND xã Vũ Hội; 18 hộ dân 2 bên đầu cầu Cọi. Hạ tầng lưới điện trên tuyến còn nhiều vướng mắc với trên 20 cột điện trung thế và hạ thế, 1 trạm biến áp.

Đối với giai đoạn 2, huyện Kiến Xương đã hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích 2 km đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án; huyện Vũ Thư đã bàn giao 1,5/2,5 km đất nông nghiệp và đang triển khai xác minh nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản, trích lục, trích đo cũng như các quy trình GPMB trên diện tích đất ở thuộc phạm vi dự án.

chọn
Khu đô thị chậm triển khai hơn chục năm ở Đà Lạt tăng vốn gấp 21 lần, hẹn hoàn thành vào 2029
Khu đô thị mới số 6 Trại Mát tại phường 11, TP Đà Lạt được cấp chứng nhận đầu tư từ 2007, nhiều năm sau đó chậm triển khai do vướng GPMB. Đầu năm 2023, dự án này được khởi công, đến cuối 2023 đã điều chỉnh vốn từ 167 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng.