Theo Bangkokpost, phát biểu tại cuộc họp hôm qua (27/8) của Ủy ban chiến lược lúa gạo quốc gia Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết, nước này đang dành nguồn lực nhiều hơn để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu- phát triển (R&D) nhằm cải thiện khâu giống, theo cả hai hướng nâng chất lượng và năng suất lúa lên 600 kg/rai (1 rai tương đương 0,16 ha).
Chính phủ Thái Lan mới chỉ phân bổ khoảng 200 triệu baht mỗi năm (hơn 6,4 triệu USD) cho các hoạt động nghiên cứu giống lúa, thấp hơn đáng kể so với Việt Nam, khi đối thủ láng giềng đã chi tới 100 triệu USD cho việc này.
Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ước tính tổng sản lượng gạo xay xát trên toàn thế giới trong niên vụ 2020/21 đạt khoảng 500 triệu tấn, tăng so với con số 497 triệu tấn của niên vụ 2018/19, với năng suất trung bình đạt 736 kg/rai, tăng so với con số 730kg của niên vụ trước.
Dự kiến trong niên vụ 2020/21 này, Thái Lan sẽ sản xuất ra 20 triệu tấn gạo xay xát, với năng suất trung bình chỉ dao động trong khoảng 450 kg/rai.
Năng suất lúa của Thái Lan hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước sản xuất lúa khác trong khu vực và trên thế giới như Việt Nam (934 kg/rai), Indonesia (765 kg/rai), Ấn Độ (643kg/rai), Trung Quốc (1.128 kg/rai) và Mỹ (1.363 kg/rai).
Thậm chí năng suất lúa của cường quốc xuất khẩu gạo còn thấp hơn cả các nước láng giềng mới nổi như Myanmar (461 kg/rai), Lào (518 kg/rai), Campuchia (462 kg/rai) và Malaysia (642 kg/rai).
Ông Jurin cho biết kế hoạch gạo chiến lược của Thái Lan từ 2020 - 2024 là tập trung vào 7 loại gạo gồm gạo hom mali của Thái Lan; gạo thơm Thái Lan; gạo trắng mềm; gạo trắng cứng; gạo đồ; gạo nếp và gạo đặc sản.
Ngoài ra, thị trường gạo cũng sẽ được chia thành ba nhóm gồm gạo hom mali Thái và gạo thơm cho thị trường cao cấp; gạo trắng hạt mềm, gạo trắng hạt cứng và gạo đồ dùng cho thị trường phổ thông và nhóm cuối là gạo nếp và gạo đặc sản dành riêng cho thị trường đặc biệt.
Cùng với đó là chính phủ sẽ triển khai đồng bộ mục tiêu kép là nâng cấp có hiệu quả khâu hậu cần lúa gạo nhằm giảm chi phí xuất khẩu, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Về mặt an ninh lương thực quốc gia, chiến lược này cũng sẽ đảm bảo cân bằng giữa tiêu dùng nội địa và sản xuất dựa theo nguồn tài nguyên nước.
Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã sẽ phối hợp triển khai và tư vấn cho nông dân cung cách sản xuất lúa phù hợp với nhu cầu thị trường và tạo mối liên kết với các nhà nhập khẩu để đảm bảo ổn định giá cả.
Ông Charoen Laothammatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, đề nghị chính phủ cần đầu tư nhiều hơn nữa vào mạng lưới thủy lợi và cải thiện các hệ thống sau thu hoạch cũng như lưu ý việc sản xuất lúa hàng năm cần được quản lý một cách thận trọng để tránh tình trạng dư thừa.
“Liệu Thái Lan có trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hay không, không quan trọng mà điều quan trọng là làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế và duy trì sự ổn định giá cả trong nước", ông Charoen nói.