Một bản mẫu hợp đồng mua bán nhà ở dành cho cá nhân hộ gia đình đầy đủ sẽ bao gồm những thông tin quan trọng sau:
- Thông tin người mua
- Thông tin bên bán
- Đặc điểm địa chính của căn nhà
- Giá bán và phương thức thanh toán
- Thời hạn giao nhận nhà ở
- Bảo hành nhà ở
- Quyền và nghĩa vụ của hai bên mua bán
- Trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng
- Các trường hợp bất khả kháng
- Chuyển giao quyền và nghĩa vụ
- Cam kết giữa các bên
- Chấm dứt hợp đồng
- Các thỏa thuận khác
- Giải quyết tranh chấp
- Hiệu lực của hợp đồng
- Chữ ký của hai bên
Xem và tải bản mẫu hợp đồng mua bán nhà ở dành cho cá nhân hộ gia đình tại đây:
Khi giao dịch, cả hai bên bán và mua cùng đến phòng công chứng công chứng hợp đồng mua bán. Khi đi mang theo giấy tờ gốc gồm chứng minh thư, sổ hộ khẩu, sổ đỏ và giấy đăng ký kết hôn. Lưu ý là không nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa, mà nộp ở phòng nhà đất và cá nhân cần đóng thuế trước bạ 0,5%, thuế thu nhập cá nhân 2%.
Trước khi làm hợp đồng, bên mua cần đặt cọc giữ chỗ cho bên bán. Tiền cọc tuỳ thuộc yêu cầu của bên mua và không nên quá 10% giá trị hợp đồng. Người mua chỉ nên thanh toán hết tiền mua nhà sau khi mời địa chính xã, phường vào đo đạc căn nhà, mảnh đất được mua khi nhận được giấy xác nhận chủ sở hữu đất, nhà do cơ quan có thẩm quyền cấp đứng tên người mua.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hình nhà ở mà bạn có thể chọn mua, ví dụ như nhà gắn liền với đất, nhà mặt phố, nhà trong hẻm, nhà chung cư dự án tương lai và chung cư đã sử dụng.
Để hạn chế rủi ro cho các cá nhân, hộ gia đình khi chọn mua một trong các loại nhà kể trên, bạn có thể tham khảo một số lưu ý trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở trong phần dưới đây:
Khi mua bán nhà ở kèm đất thổ cư, cá nhân nên yêu cầu bên bán cho xem sổ đỏ của mảnh đất. Nếu chưa có, bạn phải lưu ý giấy tờ đất với các điểm:
- Mục đích sử dụng đất (thổ cư hay thổ canh)
- Thời hạn sử dụng đất: nếu bỏ trống thường là không hạn chế, nếu có số năm cụ thể (ví dụ 20 năm) là đất mượn của Nhà nước (sau 20 năm Nhà nước có quyền lấy lại)
- Đất có nằm trong diện giải tỏa không, vì nếu nằm trong diện quy hoạch thì khả năng được đền bù là rất thấp
Phương pháp tốt nhất để xác định xem nhà ở kèm đất bạn định mua có thể giao dịch được không là tới Sở Tài Nguyên và Môi Trường xin trích lục phần đất muốn mua. Ngoài ra, khi mua nhà ở kèm đất thổ cư, hộ gia đình nên tự lo hết khâu chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ chứ không nên thông qua cò nhà đất hoặc các công ty môi giới nếu không đủ tin tưởng.
Khi mua bán nhà mặt phố, cá nhân và hộ gia đình cần phải xem bản vẽ nhà đất định mua và yêu cầu bên bán photo một bộ giấy tờ của ngôi nhà. Bạn cầm bộ hồ sơ này đến phòng quản lý đô thị để kiểm tra lại hiện trạng cũng như quy hoạch của căn nhà xem đã từng sửa chữa hay thay đổi gì chưa
Đồng thời, bạn cần xem xét kỹ ngôi nhà mặt phố bạn mua có nằm trong khu quy hoạch, mốc lộ giới hay không bằng cách đến UBND phường để xác minh thông tin. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra kiến trúc của căn nhà như tường nhà là tường chung hay tường riêng; điện, nước chung hay riêng; nhà có nằm trong khu xây dựng giới hạn chiều cao hay không,...
Nếu gia đình quyết định sẽ mua căn hộ chung cư đang được xây dựng thì bạn cần phải chú ý những thông tin sau:
- Nhà sẽ được giao vào thời điểm nào và nếu chủ đầu tư giao nhà chậm tiến độ, mức độ bồi thường cho người mua ra sao
- Người mua nên yêu cầu chủ đầu tư làm thêm phụ lục trong hợp đồng mua bán nhà ở, trong đó liệt kê chi tiết thiết kế, thi công phòng trường hợp chủ đầu tư thay đổi căn nhà sai với bản vẽ ban đầu
- Gia đình trước khi nộp tiền đặt cọc thì cần đọc kỹ và hiểu rõ toàn bộ các điều khoản chi tiết trong hợp đồng để tránh trường hợp khiếu kiện hay tranh chấp sau này.
Khi bạn có ý định mua nhà chung cư cũ thì ngoài giấy tờ nhà hợp lệ, trong hợp đồng cần ghi rõ những khu vực nào sẽ thuộc sở hữu chung (hành lang, ban công), phần nào sở hữu riêng (cần ghi rõ trong hợp đồng mua bán).
Ngoài ra, vấn đề bãi giữ xe chung cư, phí bảo dưỡng tòa nhà, chi phí an ninh, thang máy,... cũng cần được nêu rõ trong phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở dành cho cá nhân, hộ gia đình.