Dưới đây là 5 cách tìm mua nhà không qua môi giới mà bạn có thể tham khảo:
Các trang web bất động sản thường là nơi bạn có thể dễ dàng so sánh, đánh giá về thị trường và giá trị nhà ở mà bạn đang hướng đến. Phù hợp với mỗi tiêu chí về căn nhà sẽ có những tư vấn khác nhau về kiến trúc nội - ngoại thất, phong thủy, ràng buộc pháp luật,...
Ngoài ra, một vài trang web còn có danh mục để người dùng phản hồi tin rao bán có vi phạm về giá cả, thực trạng căn nhà hoặc số điện thoại hay không, giúp thông tin được sàng lọc một cách chính xác và loại bỏ những người bán không trung thực. Do đó, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi tự tìm hiểu mà không qua công ty nào khác.
Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn những trang web bất động sản uy tín, có độ tin cậy cao. Ưu điểm của những trang web này là nội dung được kiểm duyệt chặt chẽ, giúp bạn có được những lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân và gia đình.
Việc tham khảo, lấy ý kiến từ những người quen biết có kiến thức về nhà ở sẽ giúp cho bạn có được định hướng đúng đắn hơn khi mua nhà không qua môi giới. Khi đó, bạn sẽ được tư vấn một cách cặn kẽ về cách chọn vị trí nhà ở, phong thủy, nội ngoại thất, môi trường sống, an ninh xung quanh, các khoản chi phí phát sinh nếu có,... Có được những hiểu biết trên, cơ hội bạn có được một căn nhà ưng ý sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Ngoài ra, khi có người quen rành về bất động sản, bạn có thể gợi ý họ đi cùng khi xem nhà và thương lượng với chủ nhà để được tư vấn thêm về những cái lợi và bất lợi của căn nhà đang xem xét.
Khi mua nhà, bạn cần phải đặt vấn đề pháp lý lên hàng đầu để tránh những rủi ro về sau. Đầu tiên, bạn cần yêu cầu những giấy tờ chứng minh chính chủ và giấy tờ pháp lý liên quan của người bán nhà, tránh trường hợp tin đăng giả mạo chủ nhà. Sau đó, bạn kiểm tra tính chính xác của những thông tin ấy bằng cách nhận diện các nét chữ và dấu mộc, sao cho vẫn còn rõ ràng, không bị mờ, bị nhòe hay có dấu hiệu bị tẩy xóa. Để đảm bảo hơn, bạn nên tới các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để xác minh số giấy tờ ấy.
Tiếp đến, bạn cần liên hệ với các cơ quan phòng Tài nguyên và Môi trường hay Ủy ban nhân dân sở tại để tìm hiểu về thông tin bản đồ của nhà đất đang định mua, tránh mua nhà nằm trong khu đất thuộc diện quy hoạch hay đang tranh chấp.
Đồng thời, khi đã quyết định chọn mua, việc lập hợp đồng đặt cọc và công chứng đầy đủ sẽ giảm thiểu rủi ro khi giao dịch. Bởi lẽ, nhiều khi chủ nhà không chỉ nhận tiền cọc của chỉ mình bạn mà còn nhận của nhiều người khác, dẫn đến tình trạng mất cọc “oan”. Do đó, bạn và chủ nhà cần lập hợp đồng với những ràng buộc rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho đôi bên.
Trước khi đi đến thương lượng giá và ký kết hợp đồng mua nhà chính thức, bạn cần xác định giá trị của căn nhà để đưa ra những thỏa thuận hợp lý. Đây là một trong những bước cực kỳ quan trọng trong quá trình mua bán nhà đất, liên quan trực tiếp đến việc đưa ra mức giá tối đa và tối thiểu của căn nhà.
Thông thường, các khía cạnh mà bạn cần đánh giá gồm các yếu tố cơ bản của căn nhà, giao thông, dân cư, kinh tế, tiện ích,... Theo đó, bạn cần xét về vị trí, hình dạng và kích thước của căn nhà. Nếu căn nhà có diện tích lớn, vị trí thuận lợi, đi lại dễ dàng thì sẽ có mức giá cao hơn. Trái lại, những căn nhà nhỏ, không nằm ngoài mặt tiền và xa các tiện ích xung quanh thì bạn cần trừ ra một khoản cho sự bất tiện đó.
Tiếp đến, các đặc điểm môi trường, hiện trạng căn nhà, phong thủy,... cũng là những yếu tố giúp bạn căn chỉnh giá khi thương lượng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần khảo sát giá nhà ở khu vực lân cận để chốt lại một mức khách quan nhất.
Không thông qua môi giới có nghĩa là bạn phải trao đổi trực tiếp với chủ nhà để hoàn thiện các giao dịch. Để có một cuộc đàm phán thành công, bạn cần nắm bắt tâm lý của chủ nhà xem nhu cầu bán nhà của họ như thế nào, chẳng hạn như cần bán gấp, thái độ dễ chịu hay cứng nhắc,... Đây là một yếu tố quan trọng, giúp bạn có nhiều lợi thế khi thương lượng giá. Đồng thời, việc đưa ra những mặt hạn chế của căn nhà với bằng chứng cụ thể cũng sẽ giúp bạn điều chỉnh giá dễ dàng hơn.
Trong quá trình đàm phán, bạn cần tránh thể hiện cảm xúc của bản thân để tránh tình trạng bị “ép” giá. Tuy nhiên, điều bạn cần làm là tạo được thiện cảm với người bán để cuộc nói chuyện diễn ra một cách vui vẻ và suôn sẻ, dễ dàng đi đến thỏa thuận có lợi cho đôi bên.