Thanh Hóa thiếu hơn 1.000 giáo viên trước ngày khai giảng

Trước thềm năm học mới, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang trong tình trang thiếu tới hơn 1.000 giáo viên khối mầm non và tiểu học.

Thiếu trầm trọng giáo viên khối mầm non và tiểu học

VnExpress dẫn số liệu từ Sở Nội vụ Thanh Hóa cho hay, năm học 2016-2017, toàn tỉnh thiếu 1.154 giáo viên so với định biên biên chế được giao.

Cụ thể, khối mầm non còn thiếu 649 biên chế, khối tiểu học thiếu 438, khối THPT thiếu 67 giáo viên, 53 cán bộ quản lý và 421 nhân viên hành chính. Trong khi đó, riêng khối THCS của tỉnh này lại thừa 1.005 giáo viên.

thanh hoa thieu hon 1000 giao vien truoc ngay khai giang
Việc thiếu hàng loạt giáo viên bậc tiểu học khiến công tác dạy học ở các nhà trường tại Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VnExpress

Theo đại diện Sở Nội vụ, mặc dù tình trạng dôi dư giáo viên còn lớn, nhưng những năm qua, lãnh đạo các huyện thị và hiệu trưởng nhà trường vẫn ký hợp đồng lao động trái quy định 4.208 giáo viên, nhân viên hành chính. Trong đó, mầm non là 1.295 hợp đồng, tiểu học 1.154, khối THCS là 994 và THPT là 765.

Điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy tiểu học, mầm non

Để giải quyết tình trạng bất cập nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đang yêu cầu các Sở Giáo dục, Nội vụ đưa ra một số giải pháp trước mắt như điều chuyển giáo viên bậc THCS có chuyên ngành đào tạo phù hợp xuống dạy trường tiều học, mầm non.

Sau khi điều chuyển giáo viên THCS, nếu còn thiếu sẽ rà soát, tổng hợp chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, ưu tiên giáo viên đang hợp đồng ngoài biên chế đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và lao động hợp đồng đủ tiêu chuẩn, phù hợp với vị trí việc làm hiện có…

Dân trí dẫn lời bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay, tỉnh đang cho rà soát lại, có hướng nếu như THCS thừa mà xuống Tiểu học và Mầm non thì phải bố trí bồi dưỡng và Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng số giáo viên này.

Đối với nhân viên hành chính tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo rà soát lại theo khung vị trí việc làm theo hướng giảm định mức nhân viên hành chính của các nhà trường xuống, tăng định mức học sinh lên.

Thực tế, hiện nay số trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc Tiểu học của Thanh Hóa là hơn 500 trường. Còn giáo viên Mầm non, hiện nay nhu cầu trẻ đến trường lớn, nên thiếu giáo viên Mầm non là nhu cầu tất yếu.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất, các trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc Tiểu học cho phép bố trí 1,5 giáo viên để dạy 2 buổi/ ngày, trước đây chỉ bố trí có 1,2 giáo viên, đó là quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, theo Tiền phong, ông Đầu Thanh Tùng - giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng cho biết, do tỷ lệ học sinh tăng cao nên Sở phải báo cáo xin ý kiến của Bộ Nội vụ. Hiện Sở đang chờ ý kiến của Bộ Nội vụ và cố gắng đầu tháng 9 này sẽ có chỉ tiêu cụ thể về số lượng giáo viên, nhân viên cho năm học mới.

Trong năm học mới 2016 - 2017, toàn tỉnh Hậu Giang thiếu hơn 1.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học.

Trước đó, VTV cũng đưa tin, tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thuộc tỉnh Hậu Giang diễn ra nhiều nhất là tại cấp mầm non, mẫu giáo với hơn 1.000 người; tiếp theo là cấp tiểu học với hơn 300 người.

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã luân chuyển, điều động nhân sự từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều, lấy biên chế những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác để hợp đồng bổ sung nhân sự, đồng thời làm hợp đồng giáo viên mới để bổ sung cho các đơn vị thiếu giáo viên. Tuy nhiên, thiếu kinh phí để chi trả cho các giáo viên hợp đồng vẫn là vấn đề khó khăn nhất đối với địa phương.

Huyền Anh (tổng hợp)

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu đường sắt vượt sông Ninh Cơ ở Trực Ninh, Nam Định
Một cầu đường sắt dự kiến được xây dựng vượt sông Ninh Cơ thuộc địa bàn các xã Trực Mỹ, Trực Đại, huyện Trực Ninh, Nam Định.