Thanh lý xe công: quá hạn 1 tháng, cần câu trả lời

Đã quá hạn báo cáo về thanh lý xe công, đơn vị nào chưa làm thì phải công bố vì sao chưa báo cáo, nếu báo cáo thì có phù hợp không?.

Đừng để "nhờn luật"

Ngày 20/7, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương báo cáo kết quả thanh lý ô tô công trong 6 tháng đầu năm 2016, gửi về Bộ trước ngày 30/7.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tổ chức thanh lý ô tô và tài sản công khác thực hiện đúng quy định pháp luật. Tất cả các thông tin sẽ được công khai chi tiết và kịp thời.

Bên cạnh đó, Cục quản lý công sản cũng tiết lộ, từ ngày 1/1-17/6/2016, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 ôtô công, tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng, với giá trị còn lại 390 triệu đồng, tương đương 1,5 triệu đồng/xe.

Thế nhưng, đến tận ngày 25/8, so với thời hạn báo cáo đã quá 1 tháng, nhưng vẫn chưa có thông báo cụ thể từ Bộ Tài chính.

Trước sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, bà Bùi Thị An - Nguyên ĐBQH khóa 13, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết: "Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng.

thanh ly xe cong qua han 1 thang can cau tra loi

Quá hạn báo cáo về thanh lý xe công ở các Bộ ngành, địa phương với Bộ Tài chính

Chính vì thế, tổ công tác hãy bắt đầu làm việc bằng ngay việc báo cáo thanh lý xe công, xem các Bộ ngành, địa phương đã thực hiện thống kê, báo cáo đến đâu.

Cụ thể, hãy báo cáo lại, 8 tháng đầu năm, Bộ ngành nào, địa phương nào làm tốt thì tổng hợp lại. Theo tôi, không những chỉ vấn đề thực hiện thanh lý xe công mà còn trong thực hiện chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương, quản lý đô thị".

Bên cạnh đó, theo bà An, chuyện Bộ Tài chính đề nghị báo cáo công khai, nếu chưa làm thì phải công bố vì sao chưa báo cáo, công khai, minh bạch tất cả, thậm chí cả việc nộp đúng hạn, nhưng báo cáo có đạt tiêu chí Bộ cần hay không.

Đề nghị tổ công tác hãy vào cuộc, bắt tay làm việc. Từ đó, phấn đấu Chính phủ kiến tạo là điều hành bằng luật pháp, phải có kỷ cương phép nước, trên chỉ thị dưới phải thực hiện. Trên cứ nói, dưới không làm thì có tình trạng "nhờn luật", kỷ cương xộc xệch, không hiệu quả.

"Tất cả các thông tin đều có thể công bố công khai được, trừ các sự việc có liên quan đến yếu tố quốc phòng an ninh.

Vừa qua, thông tin về cải cách hành chính làm rất tốt, rất cụ thể, tỉnh nào làm tốt nhất, tình nào làm chưa tốt, để đánh giá tương đối công bằng trên tiêu chí chung. Với việc thanh lý xe công cũng cần cụ thể như vậy", bà An nhấn mạnh.

Tránh thất thoát tài sản công

Trong khi đó cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, ông Trần Du Lịch, nguyên ĐBQH TP.HCM cũng cho rằng, chủ trương của Bộ Tài chính đưa ra như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng các địa phương phải chấp hành, nghiêm túc thực hiện.

Việc sau 1 tháng vẫn chưa có thông tin cụ thể, chắc chắn sẽ khiến cho người dân đặt câu hỏi, vì thế Bộ Tài chính cần công khai địa phương nào đã báo cáo, địa phương nào chưa, từ đó có biện pháp xử lý cụ thể, tránh lặp lại tình trạng chậm trễ trên, đảm bảo phải thực hiện đúng chỉ thị.

Là người luôn quan tâm đến vấn đề xe công, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Nếu các Bộ ngành, địa phương chưa thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì phải xem lại giá trị pháp lý của biên bản yêu cầu ra sao, hay chỉ là một công văn bình thường, nhưng nếu đã là chỉ thị thì bắt buộc phải làm.

Ở đây việc chậm trễ hoàn toàn có thể đặt vấn đề lý do vì sao, vì đây là khối tài sản khá lớn, vấn đề dân quan tâm là đánh giá giá trị tài sản đó ra sao, sau khi bán đi thì đấu thầu ra sao, tránh thất thoát tài sản công".

Mặt khác, theo ông Thuận, người dân chỉ quan tâm mấy điểm: thứ nhất, thanh lý xe cũ có mua xe mới hay không; thứ hai, đấu giá có công khai không, khi thanh lý có bán đấu giá để mọi người được tham gia vào; thứ ba, tiền thu được sẽ làm gì.

Tất cả đều phải công khai, vì đây là tiền thuế của dân, mồ hôi nước mắt của dân, cần phải chi tiêu tránh lãng phí.

Vì thế, Bộ Tài chính hãy làm đúng theo chỉ thị, tỉnh nào chưa làm thì kiểm điểm, yêu cầu gấp rút, tỉnh nào báo cáo rồi thì xem xét công khai kết quả, để dân được biết. Hãy làm gương cho dân trong việc thi hành đúng pháp luật".

Theo Châu An

Báo Đất Việt

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.