Kể từ cuối năm 2019 đến nay, do vướng mắc các thủ tục hành chính, pháp lí nên thị trường BĐS Việt Nam gần như đóng băng về nguồn cung, khiến cho các căn hộ bình dân giá dưới hai tỉ đồng trở nên khan hiếm.
Thậm chí, bước sang đầu năm 2020, thị trường BĐS vẫn tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Thống kê cho thấy, quí 1/2020 nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay; khoảng 800/1.000 sàn giao dịch trên cả nước đã tạm ngưng hoạt động; hàng loạt môi giới bất động sản mất việc…
Dù vậy, hiện nay thị trường xảy ra nghịch lí thừa BĐS cao cấp, nhưng lại thiếu nghiêm trọng phân khúc căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội.
Một số thống kê cũng chỉ ra rằng, nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ mới chỉ đáp ứng được 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguyên nhân cản trở nguồn cung căn hộ giá rẻ tăng trưởng là do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, hai nút thắt cần phải giải quyết đó chính là hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất vay ngân hàng.
Thừa nhận điều này, nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng, khi phát triển nhà ở giá rẻ, họ phải chịu lãi suất tương đối cao, khoảng 10%/ năm. Nếu không có hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị lỗ, thậm chí là phá sản.
Ngoài ra, hiện nay các quy định lựa chọn đầu tư nhà ở xã hội chưa rõ ràng, ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lí nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ trách nhiệm.
Điều này dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng trong thời gian qua nhưng doanh nghiệp BĐS lại chẳng mấy mặn mà.
Ông Nguyễn Anh Đào, TGĐ Công ty CP VietHome đề xuất, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về vốn và lãi suất vay ngân hàng, Chính phủ cũng nên xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận khi xây dựng nhà ở giá thấp từ 10% lên 15% tổng giá trị đầu tư dự án.
Đồng thời, Chính phủ cũng nên có phương án giảm thời gian hoàn thiện pháp lí, giảm từ hai năm có quyết định giao đất xuống còn 9 tháng.
“Với thời gian xét duyệt lâu như vậy đã khiến nguồn vốn doanh nghiệp bị cạn, vừa xong dự án đầu đã hết vốn cho dự án thứ hai. Tôi cho rằng, Chính phủ nên xem xét rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, khoảng 9 tháng là hợp lí”, ông Đào nói.
Trước những vướng mắt của doanh nghiệp trong việc phát triển những căn hộ giá rẻ, trong cuộc tọa đàm về Thị trường bất động sản sau dịch Covid-19 mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tiết lộ, dự kiến trong quí 3/2020, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp, bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.
Ngoài ra, để tháo gỡ nút thắt và tạo ra nguồn cung mới, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết, sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng này với khoảng 2.000 tỉ đồng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỉ đồng.
Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai nếu vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc.
“Trong bối cảnh hàng trăm nghìn hộ dân chưa có nhà ở tại các thành phố lớn, thì việc đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp là điều cần thiết. Điều này vừa giúp kích thích kinh tế, giúp cho thị trường BĐS tăng trưởng, vừa giúp ổn định an sinh xã hội”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS bình luận.