Sau khi Chính phủ chính thức nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 15/4, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trở lại. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, đây chính là thời điểm giới “cò” đất bắt đầu tung chiêu quảng cáo, cắt lỗ, giảm giá sâu để kích thích nhà đầu tư hay người dân có nhu cầu sập “bẫy”.
Trong suốt quá trình diễn ra giãn cách xã hội, trên một số sàn giao dịch BĐS online đã xuất hiện một số thông tin nhiều phân khúc BĐS phải cắt lỗ, giảm giá sâu tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu trò quảng cáo của giới “cò” đất.
Thực tế cho thấy, dù ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, song giá nhà ở, chung cư, đất nền trong quí I/2020 không những không giảm, mà lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân tăng 3,5% đối với chung cư, và 8,36% đối với nhà ở riêng lẻ. Chỉ riêng phân khúc căn hộ hạng sang ghi nhận sự giảm nhẹ, mức giảm bình quân khoảng 2 - 3% so với năm 2019.
Với những động thái mới của thị trường, ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội cho rằng, nếu phù hợp với khả năng tài chính, thời điểm này nhà đầu tư có thể mua vào để chờ đợi tăng giá.
Theo ông Tuấn, thị trường BĐS hiện nay vẫn còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và chưa thể hồi phục ngay lập tức. Tuy nhiên, khi hồi phục, giá nhà ở, căn hộ sẽ tăng rất nhanh.
“So sánh với giai đoạn thị trường đóng băng trong năm 2012 - 2013, sau khi vượt qua khủng hoảng, giá trị BĐS đã tăng vọt, nhiều nơi và nhiều phân khúc đã tăng hơn 10 - 15%. Tương tự, trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, thị trường BĐS đang giống 1 quả bóng bị “nén” bởi lực cầu khổng lồ. Nên khi thị trường đi vào ổn định, chắc chắn sẽ bật mạnh”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng thị trường BĐS sau dịch Covid-19 sẽ tăng nhanh còn do sự mất cân bằng giữa cung và cầu.
“Các phân khúc nhà ở bình dân, trung cấp trở xuống với giá từ 1,5-3 tỉ đồng, sẽ duy trì lực cầu tốt, và có thể sôi động giao dịch trở lại ngay trong tháng 5 nếu tình hình dịch bệnh không có biến động lớn. Phân khúc cao cấp trong giai đoạn này có thể chưa cấp thiết nên có độ trễ hơn so với các phân khúc còn lại nhưng cũng sẽ sớm hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Tuấn nhìn nhận.
Trong khi đó, trả lời cho câu hỏi có nên mua nhà thời điểm này hay không, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu người mua có nhu cầu mua để ở thì đây là thời điểm hợp lí vì giá nhà sẽ gần với giá cả thực nhất.
Trong bối cảnh biến động "hỗn loạn" của giá vàng, tỉ giá, lãi suất,... thì BĐS vẫn là kênh an toàn và tiếp tục hái ra tiền. Đặc biệt, những sản phẩm đảm bảo chắc chắn về pháp lí, có tính thanh khoản cao và do những nhà phát triển bất động sản có uy tín cung cấp đang có ưu thế tuyệt đối.
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, ở thời điểm hiện tại, các sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu hoạt động bình thường. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang rất nôn nóng tung ra các sản phẩm chủ lực để kích thích thị trường.
Tuy nhiên, lượng khách hàng tới các sàn giao dịch BĐS vẫn thưa thớt, đa phần có tâm lí thăm dò thị trường là chính.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, điều này quy luật tất yếu của thị trường. Bởi khi vừa trải qua khủng hoảng, thị trường cần phải mất 1 - 2 tháng mới có thể định hình trở lại. Ngay bản thân nhà đầu tư cũng cần phải có thời gian nghe ngóng, tìm hiểu cơ hội đầu tư mới.
Ông Stuart Crow, CEO, Capital Market, Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho rằng, với tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư bất động sản vẫn chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến quí II/2020.
Trong khi đó, Savills Việt Nam cũng có nhận định, thị trường sẽ mất khoảng 6 tháng để phục hồi mặc dù nhu cầu về bất động sản còn khá lớn. Như vậy, trong một kịch bản xấu nhất, thị trường sẽ đi vào ổn định trong đầu năm 2021.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia BĐS khuyên nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc chủ đầu tư nên bình tĩnh và không nên tung ra quá nhiều sản phẩm chủ lực để nhanh chóng thu hồi vốn, ổn định lại dòng tiền.
Nhà đất 21:40 | 03/07/2020
Đô thị 10:46 | 29/06/2020
Đô thị 15:24 | 26/06/2020
Nhà đất 09:51 | 25/06/2020
Kinh doanh 08:37 | 24/06/2020
Tiêu dùng 10:38 | 23/06/2020
Đô thị 10:34 | 23/06/2020
Kinh doanh 08:28 | 22/06/2020