Thầy giáo Lại Công Hoan đã chọn nghề giáo viên mầm non như một định mệnh. |
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Lại Công Hoan vẫn nhớ như in thời điểm học xong phổ thông để đi theo ngành giáo dục mầm non - nghề mà rất hiếm người đàn ông nào có đủ 'dũng cảm' để lựa chọn gắn bó.
Thầy Hoan kể: "Học xong phổ thông, tôi quyết định chọn thi vào trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Thái Bình. Ban đầu cả nhà ai cũng bất ngờ, thậm chí phản đối, lo lắng là đàn ông mà lại đi làm giáo viên mầm non liệu có đủ kĩ năng, tính kiên nhẫn mà theo nghề hay không?
Khi mới đi học ở trường sư phạm có tới hàng nghìn bạn là nữ giới, mình cũng thấy ngại. Các bạn học ai cũng đều cảm thấy ngỡ ngàng và đôi khi cũng trêu chọc, bông đùa rằng tại sao con trai lại chọn ngành của con gái.
Trong khi các bạn học cùng phổ thông thì đều chọn thi vào đại học hoặc làm nhiều nghề khác nhau. Có mỗi mình đi theo một hướng hoàn toàn khác nên mọi người mới để ý".
Sau khi ra trường và về công tác tại trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) từ năm 2001, thầy giáo này cũng có cảm giác chưa được tự tin. Phải mất một thời gian, mọi thứ trở nên quen thuộc và nhờ sự giúp đỡ của các cô giáo đi trước mà thầy giáo trẻ đã dần bắt nhịp được công việc.
Phía phụ huynh cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ chỗ lo thầy không biết cách dạy, chăm sóc con mình cho đến hoàn toàn tin tưởng vào khả năng sư phạm của thầy Hoan.
Thầy giáo mầm non nhưng cách dỗ dành trẻ hay tổ chức các hoạt động trên lớp cũng khéo léo không kém các cô giáo. |
"Một khi mình quý mến trẻ thì trẻ cũng sẽ quý mến lại mình. Phương pháp dạy trẻ cũng phải có nhiều cách khác nhau, tuyệt đối không phải là bằng đòn roi, dọa dẫm. Chủ yếu phải hòa đồng, phân tích cho các con cái đúng cái sai, có những lúc vui vẻ nhưng đôi khi cũng phải nghiêm túc thì mới hiệu quả.
Các công việc như dỗ trẻ đi ngủ, bón thức ăn hay làm vệ sinh cá nhân khi có trẻ ị ra quần áo... mình vẫn phải tập làm cho quen. Lâu dần sẽ thành thói quen và bố mẹ trẻ rồi cũng hiểu và tin tưởng mình.
Có đồng nghiệp nói vui bảo đàn ông đàn ông mà giỏi chăm trẻ còn hơn cả phụ nữ thì sau này vợ con được nhờ, tôi chỉ cười và coi đó chỉ là sự bông đùa, mọi người động viên nhau vậy thôi. Thực tình khi đẻ con ra, cho con đến lớp là phụ huynh họ cũng cần có niềm tin ở người giáo viên, mình càng phải làm cho đúng lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp.
Trong thời gian đầu từ khi còn là một giáo viên hợp đồng, lương chỉ là tự thu tự chi. Ví dụ, nguồn học phí thu được bao nhiêu thì trích một phần chi trả cho lương giáo viên, chỉ khoảng vài trăm nghìn một tháng. Tới năm 2002 mới bắt đầu có cơ chế hỗ trợ đóng bảo hiểm cho giáo viên mầm non.
Công việc gì cũng quý và thuận lợi khó khăn nhất định. Thuận lợi ở chỗ làm việc trong môi trường toàn chị em, môi trường lao động rất thân thiện, nhẹ nhàng chứ không mang tính chất thương mại. Khó khăn ở chỗ mình lại là thiểu số, đôi khi làm công tác tư tưởng cho chị em cũng cần chú ý. Chị em phụ nữ sẽ có tâm tư, suy nghĩ khác với đàn ông. Cần phải có sự chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo.
Vào các ngày 8/3 hay 20/10, có lẽ do biết mình là thiểu số nên các cô giáo cũng chỉ nói vui cho nhau chứ không hề đòi hỏi mình phải tặng quà gì đó cho các cô. Tới các ngày đó, mình chủ động mua một lẵng hoa lớn và mời các cô lên hội trường để chúc mừng, liên hoan văn nghệ và bánh kẹo để tạo động lực tinh thần cho các cô cũng cảm thấy rất vui", thầy Hoan chia sẻ.
Thầy giáo mầm non kể truyện cổ tích cho học sinh cũng khéo tựa như các cô giáo khiến trẻ thích thú. Video: Đình Tuệ.
Kể về mối nhân duyên của mình với người vợ hiền vào năm 2007, thầy Lại Công Hoan nhớ lại: "Bà xã mình quê ở huyện Hưng Hà nhưng làm công nhân may ở trên thành phố Thái Bình.
Quê mình cũng ngay sát thành phố, qua những lần đi ăn cưới anh em bạn bè mọi người giới thiệu rồi quen nhau. Khi mới quen, cô ấy cũng có chút cảm giác nhất định khi biết mình làm giáo viên dạy trẻ mầm non, bạn bè cũng hay trêu đùa.
Riêng về phần gia đình nhà vợ thì cũng rất vô tư, tạo điều kiện cho mình đến với cô ấy chứ không quá khắt khe. Bố mẹ vợ cũng quan điểm là tôn trọng sự lựa chọn công việc của mình. Chỉ cần hai vợ chồng thương yêu nhau thật lòng thật dạ, thấu hiểu nỗi vất vả của nhau và chung thủy thì mọi rào cản, khó khăn đều sẽ vượt qua hết".
Thầy giáo hướng dẫn các em trong giờ chơi xếp hình tự do. |
Được biết, vào năm 2006 thầy Hoan nhận được quyết định bổ nhiệm lên làm Hiệu phó nhưng vẫn phải mất 4 năm (tức năm 2010) mới được biên chế chính thức. Thời điểm năm 2002, bắt đầu được đóng bảo hiểm, có cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh về phụ cấp cho giáo viên mầm non thì được 40.000 đồng/tháng. Sau đó tăng dần lên được 70.000 đồng/tháng, 120.000 đồng/tháng... Về sau mới thực hiện theo chính sách lương của nhà nước.
"Thời điểm học sư phạm mình còn được học bổng loại giỏi 165.000 đồng/tháng, lĩnh theo từng quý khoảng 500.000 đồng cũng khiến cho tôi có cảm giác hạnh phúc lắm rồi. Hồi đó mối quan hệ chưa nhiều, chi phí các thứ còn rẻ. Tới khi đi làm năm 2001, lương chỉ khoảng 300.000 đồng/tháng, trang trải chi phí cuộc sống cũng khó khăn hơn. Khi lập gia đình, lương của vợ cũng ngang ngang nhưng tuyệt đối không bao giờ so bì với lương chồng nhà khác mà rất thông cảm và chia sẻ.
Ngày 20/11 đang cận kề, tôi cũng như các cô giáo chỉ mong các con luôn luôn ngoan ngoãn, vui khỏe và học hành thật tốt. Phụ huynh tin tưởng và đồng hành cùng nhà trường trong việc chăm nuôi và dạy dỗ các cháu chính là món quà lớn nhất mà chúng tôi luôn mong muốn. Đồng thời, mong các cấp lãnh đạo quan tâm để hoàn thiện đội ngũ nhân sự để nhà trường thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ", thầy Lại Công Hoan tâm sự thêm.
Thầy Hoan hòa mình cùng với học sinh trong giờ múa hát tập thể. |
"Thấy các em học sinh ngoan ngoãn, vui khỏe chính là niềm động viên lớn nhất của thầy cô", thầy Hoan chia sẻ. |
Bắt nhịp cho học trò chơi trò 'Một đoàn tàu'. |
Hoạt động ngoài trời tại khu phát triển thể chất ngay trong khuôn viên nhà trường. |
Những câu truyện cổ tích được thầy giáo kể diễn cảm cho học sinh nghe. |
Ánh mắt trong veo của trẻ thơ cùng sự trưởng thành sau mỗi năm học là món quà lớn nhất dành cho các thầy cô giáo. |
Toàn trường mầm non Vũ Ninh có 21 lớp, 42 cán bộ giáo viên nhân viên. Tổng số học sinh năm học 2018 - 2019 là 617 em. Thầy Lại Công Hoan có 5 năm làm giáo viên, 12 năm làm Hiệu phó và đang giữ chức Hiệu trưởng trường mầm non Vũ Ninh từ tháng 1/2018. |
Những hình ảnh xúc động tại đại lễ 110 năm ngày truyền thống trường THPT Chu Văn An
Sáng 3/11, Trường Bưởi - Chu Văn An đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 110 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân ... |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự lễ kỉ niệm 110 năm trường THPT Chu Văn An
Sáng 3/11, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm 110 năm ngày truyền thống và đón nhận ... |
Sôi động đêm chung kết cuộc thi tài năng học sinh Chu Văn An - ngôi trường 110 tuổi
Tối 1/11, tại trường THPT Chu Văn An đã diễn ra chung kết cuộc thi tài năng học sinh Chu Văn An - Sparkling 2018 ... |
Khám phá những góc 'check-in' không thể bỏ lỡ ở trường THPT Chu Văn An - Ngôi trường xuyên thế kỉ
Dãy nhà cổ từ thời Pháp, Tượng danh sư Chu Văn An, Nhà bát giác, Vườn thượng uyển, Đồi nguyệt quế... là những nơi check-in ... |
Đổi mới giáo dục phổ thông như thế nào để tạo ra được những học trò là công dân toàn cầu?
Công dân toàn cầu là gì? Giáo dục cần đổi mới ra sao để đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu trong ... |