Thế chân vạc Ngụy - Thục - Ngô tái hiện trong quan hệ Mỹ - Trung - EU

Mượn chiến lược "chia để trị" từ thời tam quốc phân tranh, Trung Quốc đang sử dụng hiệp định đầu tư mới với EU để chia cắt hai đồng minh thân cận là Mỹ và EU trước thời điểm ông Biden lên nắm quyền tổng thống.

Đêm 30/12 năm ngoái, hầu như toàn bộ các hãng tin Trung Quốc đều phát đi thông báo về hiệp định đầu tư mà chính quyền Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được. Thông báo xuất hiện trên hàng trăm triệu chiếc điện thoại thông minh.

Sau hơn 6 năm đàm phán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo EU, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đạt được một cột mốc quan trọng trong quan hệ đa phương: Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI).

Trung Quốc tranh thủ thời cơ

Điều khiến người dân Trung Quốc phấn khích không phải là lợi ích kinh tế hứa hẹn trong thỏa thuận mà là thắng lợi chiến lược do CAI mang lại. Tình huống này được Nikkei Asia ví von như câu chuyện phân tranh giữa ba nước Ngụy - Thục - Ngô trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung.

Vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, Ngụy - Thục - Ngô tiến hành chiến tranh tâm lí, lợi dụng điểm yếu trong liên minh của kẻ thù và cố tìm kiếm thời cơ giành chiến thắng mà không cần giao tranh ác liệt.

Trong trường hợp của thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU, ba thế lực phân tranh không phải Ngụy, Thục và Ngô mà là Trung Quốc, EU và Mỹ.

Hầu hết các nước thành viên của EU đều liên minh với Mỹ thông qua NATO. Thỏa thuận CAI, vốn được thống nhất chỉ gần ba tuần trước khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã thay đổi bản chất mối quan hệ ba bên.

Chính quyền ông Biden đang muốn khôi phục các liên minh cũ của Mỹ, bao gồm mối quan hệ rạn nứt với châu Âu. Phối hợp thực hiện các chính sách về Trung Quốc được cho là chìa khóa để Mỹ và EU quay lại bắt tay nhau kiềm chế Trung Quốc, một đối thủ đáng gờm với hệ thống chính trị khác biệt.

Ngày 22/12, ông Jake Sullivan - ứng viên cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, đã cảnh báo EU không nên vội vàng tham gia CAI mà không tham khảo ý kiến của Mỹ. Song, lời nhắc nhở của ông Sullivan đến quá muộn và Bắc Kinh đã đi trước một bước.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp trưởng phái đoàn EU tại Trung Quốc cùng đại sứ của 27 nước thành viên EU nhằm truyền đạt mong muốn nhanh chóng kết hiệp định CAI của Bắc Kinh.

Ở thời điểm đó, truyền thông châu Âu đưa tin đàm phán đang đi vào bế tắc khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu phi lí về việc mở cửa thị trường. Ngoại trưởng Vương triệu tập bất thường các nhà ngoại giao EU để bác bỏ thông tin trên và bày tỏ sự sẵn sàng nhượng bộ của Trung Quốc.

Cuối cùng, Bắc Kinh đồng ý đưa ra các quy tắc cụ thể để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp châu Âu và công ty nhà nước Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, EU sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận hạn chế vào thị trường năng lượng tái tạo châu Âu.

Ngoài ra, thỏa thuận CAI được công bố cùng ngày mà EU thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit với Anh. Nếu Anh - một nước đồng minh khắng khít của Mỹ - không rời EU, Anh có thể sẽ ngăn cản Thủ tướng Đức Merkel đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng buộc phải chốt hiệp định CAI trước khi bà Merkel, một nhà lãnh đạo mềm mỏng với Trung Quốc, từ giã chính trường vào mùa thu năm 2021. Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Đức tại Hội đồng châu Âu cũng đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, một ngày sau khi thỏa thuận EU - Trung Quốc được công bố.

Nikkei: Tái hiện thời kì tam quốc Ngụy - Thục - Ngô trong quan hệ Mỹ - Trung - EU - Ảnh 2.

Vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu của Thủ tướng Đức Angela Merkel kết thúc chỉ một ngày sau khi Trung Quốc và EU đạt được hiệp định CAI. (Ảnh: AP).

Thoạt nhìn, Trung Quốc dường như đã nhượng bộ khá nhiều. Song, suy nghĩ rộng hơn, thỏa thuận đầu tư CAI thực chất đã giúp Trung Quốc tránh bị cô lập trên chính trường quốc tế.

Hơn nữa, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo một vật cản lớn giữa Mỹ và châu Âu trước lễ nhậm chức của ông Biden, Nikkei nhận định.

Yếu tố lịch sử

Một yếu tố lịch sử có lẽ đã bị bỏ qua là việc Trung Quốc bắt đầu xây dựng mối quan hệ với châu Âu sau khi quan hệ với Mỹ bước vào ngõ cụt dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề xuất xây dựng "một mối quan hệ cường quốc kiểu mới", song Tổng thống Obama từ chối. Sau chuyến thăm, Trung Quốc công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào mùa thu cùng năm, mục đích để xây dựng một con đường tơ lụa mới nối Trung Quốc và châu Âu.

Tức là, thay vì "đông tiến" để hợp tác cùng Mỹ, Trung Quốc chuyển sang chiến lược "tây tiến" để bắt tay cùng châu Âu. Sức mạnh của khu kinh tế nối liền lục địa Á - Âu và châu Phi với tổng dân số hơn 4 tỷ người là sức mạnh thị uy của Trung Quốc trước Mỹ.

Triển khai song song với BRI là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu và có sự tham gia nhiệt tình của Anh, Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ... Đến nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Australia và Ấn Độ đã xấu đi đáng kể vì các tranh chấp riêng. Sáng kiến AIIB giờ đây cũng không còn ảnh hưởng lớn.

Nikkei: Tái hiện thời kì tam quốc Ngụy - Thục - Ngô trong quan hệ Mỹ - Trung - EU - Ảnh 3.

Trong chuyến thăm Tổng thống Obama tháng 6/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình từng yêu cầu ông Obama cho Bắc Kinh tự do quyết định các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Biển Đông. (Ảnh: AP).

Vật cản cho quan hệ Mỹ - EU

Thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU là tin tức tích cực đầu tiên sau một thời gian dài Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy hợp tác với các nước khác.

Tuy nhiên, trở ngại có thể xuất hiện trước khi CAI chính thức được kết, phê chuẩn và có hiệu lực. Vấn đề đầu tiên liên quan đến các thủ tục phê chuẩn của EU. Nghị viện châu Âu phải thông qua nội dung của CAI, song cơ quan này lại lên án gay gắt hành động của Trung Quốc tại Tân Cương cũng như Hong Kong.

Tháng 12 năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án loại hình lao động cưỡng bức trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Nghị quyết này phản ánh thái độ thận trọng của châu Âu trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai liên quan đến sự nhượng bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết sẽ phê chuẩn hiệp ước cấm lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế. Bắc Kinh chưa bao giờ xác nhận người dân Duy Ngô Nhĩ là đối tượng lao động cưỡng bức và không rõ liệu lời hứa của họ với châu Âu có giúp giải quyết vấn đề trên hay không.

Tuy nhiên, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã thành công đặt một vật cản vào giữa Mỹ và EU. Khi Đại Tây Dương bị chia cắt, công chúng đang đổ dồn sự chú ý vào việc liệu Trung Quốc có quay lại mở rộng lợi ích ở Thái Bình Dương hay không.

Theo Nikkei, có một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hành động.

Giữa tháng 11, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ông Tập Cận Bình đã bày tỏ Bắc Kinh sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm 2017, sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã rút Washington khỏi TPP.

Động thái của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng gợi nhớ đến sách lược trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trung Quốc đã áp dụng chiến tranh tâm lí nhằm tận dụng khoảng trống chính trị ở Mỹ.

Trong buổi gặp mặt với các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ ngày 11/1, ông Tập cũng đưa ra đánh giá lạc quan về tương lai của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng ngay đầu năm 2021, "thiên thời và địa lợi" đang đứng về phía Bắc Kinh, trong khi Washington rơi vào bất ổn chính trị sâu sắc.

Nếu Trung Quốc "đông tiến" sau 7 năm từ bỏ chiến lược này, mâu thuẫn với chính quyền ông Biden sắp tới có thể gia tăng.

Cuộc chiến giằng co giữa ba thế lực của thế kỷ 21 - Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, trong thế giới hậu Covid-19 sẽ là một câu chuyện hấp dẫn đáng quan tâm.

chọn
Cường Thuận IDICO sắp xây khu nhà ở 2.500 tỷ tại Biên Hòa, có thể ghi nhận doanh thu từ 2025
Dự kiến từ quý I/2025, Cường Thuận IDICO sẽ khởi công, thi công xây dựng Khu dân cư Phước Tân (CTI Residence) tại TP Biên Hòa với tổng vốn gần 2.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, đây là dự án sẽ mang lại nhiều điểm sáng cho tập đoàn những năm tới.