Hàng loạt đối tác quay lưng - Khoảng giữa tháng 5, không lâu sau khi lệnh cấm vận được ban hành, hàng loạt công ty công nghệ Mỹ và nhiều đối tác trên thế giới đã quay lưng lại với Huawei. Lần lượt những cái tên như Google, Microsoft, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều công bố sẽ tuân theo lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Tiếp theo đó, các công ty công nghệ khác như Infineon Technologies của Đức hay Toshiba của Nhật Bản cũng thông báo tạm ngừng hợp tác với gã khổng lồ Trung Quốc.
Doanh số smartphone Huawei sụt giảm nghiêm trọng - đầu tháng 6, SCMP đưa tin Foxconn ngừng một số dây chuyền sản xuất điện thoại Huawei do tập đoàn công nghệ Trung Quốc cắt giảm nhiều đơn đặt hàng sản xuất thiết bị mới. Các nhà quản lí tiếp thị và bán hàng tại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc dự đoán doanh số smartphone Huawei trong năm 2019 sẽ giảm từ 40-60 triệu máy. Bên cạnh đó, trao đổi với CNBC, Richard Yu - Giám đốc khối kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty quyết định hoãn vô thời hạn việc ra mắt laptop mới thuộc dòng Matebook.
Giá cổ phiếu lao dốc, doanh thu dự báo nhiều công ty Mỹ giảm mạnh - Ngay sau khi lệnh cấm được ban hành, giá cổ phiếu của nhiều ông lớn công nghệ Mỹ đã liên tục lao dốc. Trong phiên giao dịch hôm 20/5, cổ phiếu của Apple và các đối tác sản xuất chip cho Huawei tại châu Âu như Infineon Technologies, AMS, STMicroelectronics đều rơi vào tình trạng “đỏ sàn” với mức tương ứng là 2,5%, 3,4%, 4% và 4,6%. Giữa tháng 6, Broadcom Inc - tập đoàn sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ - đưa ra dự báo doanh thu năm 2019 giảm 2 tỉ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cổ phiếu Broadcom mất 8,6% giá trị trên thị trường chứng khoán, tương đương 9 tỉ USD.
Apple cũng trở thành nạn nhân - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cùng với lệnh cấm từ Google dành cho Huawei, khiến cư dân mạng Trung Quốc dấy lên làn sóng “tẩy chay Apple” như một cách trả đũa cho ngành công nghệ nước này. Hàng loạt thông điệp chống Apple được cộng động mạng Trung Quốc chia sẻ trên Weibo. Theo Nikkei Asian Review, làn sóng phản đối này bắt đầu khi Giám đốc Tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ.
Đối tác Apple loay hoay tìm cách đưa dây truyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc - Cuối tháng 4, Terry Gou, Chủ tịch của Foxconn Technology Group cho biết công ty sẽ sản xuất hàng loạt iPhone tại Ấn Độ trong năm nay nhằm tránh sự phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, cuối tháng 5, VentureBeat đưa tin một đối tác khác của Apple là Pegatron sẽ di chuyển nhà máy sang Indonesia nhằm hạn chế sự ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Hàng loạt công ty đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc - Giữa tháng 6, Samsung cho biết hãng chuẩn bị đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc. Không lâu sau, hàng loạt tên tuổi như Hyundai Motor, Kia Motors và LG Electronics cũng thông báo đang tính đường rút lui khỏi quốc gia này. Hyundai Motor công bố tạm dừng sản xuất tại nhà máy gần Bắc Kinh. Trong khi đó, LG Electronics cho biết họ đã chuyển tất cả dây chuyển sản xuất máy lạnh xuất khẩu tới thị trường Mỹ từ nhà máy ở tỉnh Chiết Giang về Hàn Quốc.
Hàng hóa, dịch vụ Mỹ cũng bị tẩy chay - Hôm 13/5, tờ Global Times đăng bài xã luận kêu gọi người Trung Quốc mở cuộc "chiến tranh nhân dân" chống Mỹ. Và làn sóng tẩy chay hàng hóa, dịch vụ Mỹ đã bắt đầu xuất hiện tại quốc gia tỷ dân. Trong một thông báo nội bộ, trạm đăng kiểm cơ giới Tĩnh Cương, tỉnh Giang Tô ra lệnh cấm nhân viên sử dụng iPhone, lái xe hơi thương hiệu Mỹ, dùng bữa tại các cửa hàng thức ăn nhanh nguồn gốc Mỹ như KFC và đi du lịch đến Mỹ. Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng mạng nước này.
Hy vọng trở lại Trung Quốc của Google vụt tắt - Google rời bỏ Trung Quốc vào năm 2010, nhưng hiện nay gã khổng lồ tìm kiếm luôn cố gắng trở lại thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này. Thậm chí, hãng đã bí mật xây dựng công cụ Dragonfly dành riêng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm từ ông Donald Trump đã buộc hãng phải ngừng hợp tác, không cho phép Huawei sử dụng Android và các dịch vụ kèm theo. Điều đó khiến cho quan hệ giữa Google và chính quyền Trung Quốc ngày càng thêm xa cách.
Thiệt hại đến cơ sở hạ tầng mạng 5G - Huawei đã xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 4G cho rất nhiều nhà mạng lớn ở Châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Điều đó tạo thuận lợi để các quốc gia đó chuyển sang 5G nhanh chóng và rẻ hơn. Hiệp hội Thông tin di động thế giới GSMA cho biết tổn thất mà các nhà mạng phải chịu nếu không sử dụng thiết bị Huawei ở Châu Âu lên tới 62 tỉ USD, đồng thời làm trì hoãn việc triển khai 5G khoảng 18 tháng.