Thế Giới Di Động đã bán 11.000 chiếc đồng hồ trong tháng 6, tiếp tục đóng hàng loạt cửa hàng điện thoại

Tổng số điểm kinh doanh điện thoại Thegioididong.com bị "khai tử" trong hơn 1 năm qua là 61 cửa hàng. Trong khi thị trường điện thoại bão hòa, Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh bán đồng hồ, mắt kính. Chỉ trong tháng 6, hãng đã bán được 11.000 chiếc đồng hồ.

Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ) vừa có báo cáo tóm tắt về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2019. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của "ông lớn" trong ngành bán lẻ này đều tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động đạt 51.727 tỉ đồng, tăng 7.157 tỉ so với cùng kì năm ngoái, tương ứng mức tăng 16%. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của lại gấp đôi doanh thu, khi tăng đến 38% so với cùng kì, đạt 2.121 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-26 lúc 18

Kết quả kinh doanh của TGDĐ giai đoạn 2012-2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Với kết quả kinh doanh này, Thế Giới Di Động hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế. 

Hãng cho biết các lĩnh vực điện máy, đồ gia dụng và thực phẩm tươi sống đều tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong báo cáo, Thế Giới Di Động ít nhắc đến mảng kinh doanh điện thoại, lĩnh vực vốn làm nên thương hiệu của "đế chế" bán lẻ này.

Thế Giới Di Động đã đóng cửa 61 cửa hàng điện thoại

Tính đến cuối tháng 6/2019, Thế Giới Di Động có tất cả 2.449 cửa hàng thuộc 3 hệ thống Thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh, tăng 262 điểm kinh doanh so với cuối năm 2018. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày, hệ thống bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài có thêm 1,5 cửa hàng mới.

Đáng chú ý, việc gia tăng cửa hàng của Thế Giới Di Động đều đến từ 2 chuỗi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Trong khi đó, chuỗi kinh doanh điện thoại Thegioididong.com lại đang có xu hướng giảm đi.

Screenshot_8_1-4

Doanh thu chuối Thegioididong.com đang giảm dần trong tỉ trọng doanh thu của Thế Giới Di Động những năm gần đây. (Ảnh: Getty).

Kể từ lúc số lượng cửa hàng đạt đỉnh điểm vào năm 2017 với con số 1.072, một năm sau, chuỗi Thegioididong.com đã giảm xuống còn 1.032 cửa hàng. Kết thúc quý II/2019, chuỗi Thegioididong.com đang có 1.011 cửa hàng, giảm 21 điểm kinh doanh so với đầu năm. 

Tính trong vòng 1 năm rưỡi qua, Thegioididong.com đã giảm đi 61 cửa hàng.

Không chỉ giảm về số lượng cửa hàng, đóng góp doanh thu của chuỗi điện thoại Thegioididong.com vào toàn hệ thống Thế Giới Di Động cũng giảm sút vài năm qua. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu chuỗi này đóng góp cho Thế Giới Di Động chỉ 33,4%, tương đương 17.276 tỉ đồng. Đây được xem là mức đóng góp rất thấp, bởi cuối năm ngoái, chuỗi này còn đóng góp 40% doanh thu. Cuối năm 2017, chuỗi điện thoại đóng góp đến 52%.

Đóng góp doanh thu của chuỗi Thegioididong.com đã liên tục giảm vài năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn năm 2017, từ mức 52% xuống chỉ còn hơn 33%.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-26 lúc 17

Số lượng cửa hàng Thegioididong.com đang giảm dần từ năm 2017 đến nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh)

Ngược lại, chuỗi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh lại liên tục tăng tỉ trọng về đóng góp doanh thu. Hãng cũng đặt nhiều kì vọng về hai chuỗi ra đời sau chuỗi điện thoại Thegioididong.com.

Ngoài việc giảm số lượng cửa hàng do nhận định thị trường điện thoại đang bước vào giai đoạn bão hòa, Thế Giới Di Động cũng đang thực hiện chiến lược chuyển đổi các cửa hàng Thegioididong.com này thành Điện Máy Xanh. 

Cụ thể, trong năm qua, đã có 47 cửa hàng điện thoại được thay áo thành Điện Máy Xanh.

Ngoài ra, chuỗi Điện Máy Xanh cũng bắt đầu kinh doanh thêm điện thoại. Nghĩa là khách hàng vừa có thể mua đồ điện máy, vừa có thể mua được điện thoại tại các cửa hàng Điện Máy Xanh.

sieu-thi-dien-may-xanh-cai-tau-ha-dong-thap5-760x367

Thế Giới Di Động đang muốn chuyển đổi các cửa hàng Thegioididong.com thành Điện Máy Xanh, bởi có thể kinh doanh cùng lúc điện thoại và điện máy. (Ảnh: TGDĐ).

Ông chủ Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài tin rằng đây là cách để "tiếp cận những khách hàng chưa tiếp cận", tức họ có thể xem, trải nghiệm và mua được nhiều sản phẩm khác nhau trong cùng một cửa hàng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm sản phẩm điện lạnh và đồ dụng gia dụng đã tăng trên 30% về doanh thu. Đặc biệt, chỉ riêng máy lạnh, Thế Giới Di Động đã bán ra được 540.000 bộ sản phẩm, tăng đến 75% về sản lượng và 80% về giá trị so với cùng kì năm ngoái. Đây cũng là sản phẩm bán ra được Thế Giới Di Động "tự hào" nhất ở chuỗi điện máy, khi thị phần đã tăng từ 31% lên đến 36% trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, chỉ trong quý II/2019, Thế Giới Di Động đã hoàn tất thay đổi trưng bày cho 210 cửa hàng Điện Máy Xanh mini thành Điện Máy Xanh, đồng thời, lên kế hoạch tiếp tục thay đổi trưng bày 300 cửa hàng khác trong 6 tháng cuối năm. 

Việc thay đổi cách bày trí đã đạt mục tiêu Thế Giới Di Động đề ra. Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Điện Máy Xanh và Thegioididong.com cho biết doanh số sau chuyển đổi của các cửa hàng này đều tăng khoảng 30% so với trước đây.

Việc Điện Máy Xanh ngày càng "ăn nên làm ra" khiến ý tưởng đưa điện thoại vào chuỗi này của Thế Giới Di Động được xem là hiệu quả, bởi có thể tận dụng và tiếp cận nhiều hơn với các nhóm khách hàng.

Bán 11.000 chiếc đồng hồ trong 1 tháng

Trong khi thị trường điện thoại được dự báo sẽ chững lại và chỉ tăng trưởng 1%, ngay lập tức, Thế Giới Di Động đã đưa đồng hồ vào bán ở chuỗi Thegioididong.com. 

img4256-155232882034920239010-2

TGDĐ kì vọng lập nên chuỗi đồng hồ chính hãng như cách từng thành công với chuỗi điện thoại. (Ảnh: Phúc Minh).

Từ một cửa hàng có đặt tủ kính kinh doanh đồng hồ đầu tiên vào tháng 3/2019, chỉ sau 3 tháng, hiện số lượng cửa hàng theo mô hình "shop-in-shop" có bán đồng hồ đã tăng lên con số 34. Các quầy đồng hồ không chỉ được đặt trong cửa hàng Thegioididong.com mà còn có tại chuỗi Điện Máy Xanh.

Thế mạnh của Thế Giới Di Động trong việc kinh doanh đồng hồ là muốn thiết lập lại thị trường mà tỉ lệ hàng giả, hàng trôi nổi nhiều hơn hàng chính hãng. Hướng đi của "ông lớn" này cũng tương tự như cách đã thiết lập nên một hệ thống bán điện thoại chính hãng, uy tín với khách hàng ở chuỗi Thegioididong.com.

Dù giá mỗi sản phẩm thấp hơn so với điện thoại, điện máy nhưng kết quả từ kinh doanh đồng hồ được nhận định là rất khả quan, đóng góp khoảng 10% doanh thu cho những cửa hàng có kinh doanh đồng hồ.

Cụ thể, trung bình mỗi tháng, một cửa hàng bán ra khoảng 500 chiếc đồng hồ, tương ứng doanh thu 600 triệu đến 1 tỉ đồng. Riêng trong tháng 6, toàn bộ các điểm kinh doanh đồng hồ của Thế Giới Di Động đã bán ra được 11.000 chiếc. 

Thậm chí, theo số liệu mới đây của GfK, quý I/2019, Thế Giới Di Động đã chiếm một nửa thị phần đồng hồ thông minh tại Việt Nam. Trung bình doanh thu của hãng là 35 tỉ đồng/tháng trên tổng thị trường 80 tỉ đồng/tháng, tính cả smartwatch.

IMG_6275-crop

Trong tháng 6, Thế Giới Di Động đã bán ra được 11.000 chiếc đồng hồ. (Ảnh: Phúc Minh).

Cuối tháng 6, Thế Giới Di Động cũng đã chính thức kinh doanh sản phẩm còn lại trong "bộ đôi" này là mắt kính. Tương tự đồng hồ, Thế Giới Di Động cũng xác định sẽ thiết lập nên một chuỗi mắt kính chính hãng cho khách hàng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết quy mô thị trường mắt kính chính hãng thậm chí lớn hơn cả đồng hồ, dao động khoảng 1 tỉ USD. Vì vậy, việc kinh doanh thêm mắt kính bên cạnh đồng hồ sẽ giúp "ông lớn" trong ngành bán lẻ này tăng thêm doanh thu.

Kế hoạch của Thế Giới Di Động cũng sẽ đặt các tủ mắt kính tại cửa hàng thegioididong.com và Điện Máy Xanh, để tiếp cận cùng lúc nhiều khách hàng, với kì vọng tăng doanh cho từng hệ thống, nhất là khi chuỗi điện thoại đang có dấu hiệu bão hòa.