Hồi tuần qua, lãnh đạo chính phủ các nước đã cùng gặp gỡ các chuyên gia, nhà sáng tạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tổ chức ở Dubai. Mục tiêu của hội nghị nhằm tìm ra một lộ trình và quyết định liên quan đến tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Theo Futurism, sự kiện này đã thu hút rất nhiều các tên tuổi lớn trong lĩnh vực AI, tiêu biểu như IEEE, OECD, U.N, AAAI, IBM Watson, Microsoft, Facebook, OpenAI, Nest, Drive.ai và Amazon. Bên cạnh đó là quan chức chính phủ đến từ các nước như Ý, Pháp, Estonia, Canada, Nga, Singapore, Úc, UAE.
Cuộc hội nghị xoay quanh câu hỏi về việc phát triển và ứng dụng AI làm sao để mang lại lợi ích tối đa cho nhân loại. Và câu trả lời được nhiều quốc gia biểu quyết nhất chính là sớm tích hợp AI lên cơ thể người. Nói cách khác, mục tiêu của nhân loại sẽ là biến con người tương lai trở thành một thực thể thông minh hơn nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
Nhờ sự trợ giúp của AI, con người đang ngày càng thông minh hơn |
Đây có thể là lời tuyên bố táo bạo nhưng không hẳn phi lý. AI đang sống và tồn tại trong thế kỷ 21. Dù bạn không để ý nhưng AI đang tham gia vào mọi ngóc ngách của đời sống, bao gồm cả việc phân loại hình ảnh, tin tức, quảng cáo trên Facebook. Ngay cả khi bạn đang gõ những cụm từ tìm kiếm trên Google, AI cũng đang theo dõi từ khóa và trả về kết quả sát nhất với nội dung bạn muốn tìm.
Và dĩ nhiên, AI hoàn toàn có tiềm năng để vươn xa hơn nữa. Ví dụ công ty luật LawGeex đã sử dụng các thuật toán AI để tự động xem xét các hợp đồng với khách hàng.
AI cũng đóng góp không nhỏ tới nền y học thế giới, bởi trí tuệ nhân tạo thực sự là một kho tài nguyên vô giá với số lượng y văn khổng lồ. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm, AI có thể trình ngay tới bạn tài liệu y học một cách nhanh chóng. Thậm chí, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp nhận cả thuật toán dự đoán cái chết.
AI và con người hoàn toàn có thể làm bạn, thậm chí kết hợp cùng với nhau để tiến hóa thành một thực thể mới |
Khi liên tưởng tới việc tích hợp AI vào trong con người, chúng ta sẽ thường nghĩ tới những kịch bản theo kiểu khoa học viễn tưởng, ví dụ như cấy ghép não, kính áp tròng có thể đo lượng glucose trong máu hay những thiết bị đeo có khả năng thông dịch ngôn ngữ thời gian thực.
Nhưng tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ và không điều gì đảm bảo điều đó sẽ xảy ra. Mặc dù vậy, sự háo hức về một viễn cảnh khi con người trở nên thông minh hơn nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo là điều ai cũng mong muốn.
Trong suốt phiên họp tại Dubai, các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thảo luận những kế hoạch nhằm thúc đẩy tiến trình này sớm xảy ra hơn trong thời gian tới.