Thêm 2 vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương

Báo Thanh Niên phát hiện thêm 2 diện tích 'đất vàng' của Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương cũng bị 'xẻ thịt'.
avatar_1573434590580

Công ty TNHH Phát Triển đang nắm giữ 8,9 ha đất. (Ảnh: Đỗ Trường)

Ngoài 2 vụ với tổng cộng 188 ha "đất vàng" nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, cửa ngõ thành phố mới Bình Dương bị thâu tóm, Báo Thanh Niên phát hiện thêm 2 diện tích khác của Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương cũng bị “xẻ thịt”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài việc tham gia thâu tóm 145 ha "đất vàng" trên đường Phạm Ngọc Thạch (P.Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Phát Triển (số 123 Bùi Văn Bình, P.Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) còn "xẻ thịt" thêm 8,9 ha trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (P.Phú Lợi) của Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt Tổng công ty Bình Dương).

Đáng chú ý, Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh làm giám đốc. Bà này là con gái ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương.

Thâu tóm trước khi cổ phần hóa

Theo tài liệu Báo Thanh Niên có được, khu đất rộng 31,6 ha nằm trên đường Mỹ Phước Tân Vạn và Bùi Văn Bình thuộc KP.8 và 9, P.Phú Lợi. Nguồn gốc của khu đất này, vào năm 2004 khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Bình Dương đầu tư, quy hoạch, xây dựng Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương (gọi tắt là Khu liên hợp Bình Dương) thì Tổng công ty Bình Dương được giao tham gia đền bù giải phóng mặt bằng.

Thêm 2 vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương - Ảnh 2.

Khu đất 15 ha đang được xây dựng công ty logistics

Sau khi hoàn thành việc đền bù (năm 2007), Tổng công ty Bình Dương nhận đất và ngay sau đó giao lại cho Công ty TNHH Phát Triển 8,9 ha trong diện tích 31,6 ha để xây dựng Công ty gỗ Phát Triển.

Vào tháng 12/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương có thông báo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương. Trong đó, nhà nước nắm giữ 50% cổ phần; 39,91% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược; 0,09% cổ phần bán cho cán bộ công nhân viên và 10% cổ phần được đưa ra đấu giá bán công khai. Theo bản công bố thông tin, vào thời điểm này Công ty TNHH Phát Triển đang nắm 15% cổ phần (45 triệu cổ phiếu) của Tổng công ty Bình Dương.

Tại cuộc họp thông tin cho báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức ngày 8/11 về vụ chuyển nhượng 43 ha “đất vàng”, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi về việc Công ty TNHH Phát Triển từ một công ty “tay trắng” đã nhanh chóng thâu tóm nhiều khu "đất vàng" và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Bình Dương, phải chăng Tổng công ty Bình Dương đã tẩu tán tài sản của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa và có một lợi ích nhóm cực khủng trong các phi vụ thâu tóm "đất vàng" ở địa phương? Nhưng câu hỏi đã không được trả lời.

Rơi rụng 15 ha "đất vàng"

Cũng theo tài liệu PV Thanh Niên có được, ngoài diện tích đất bị Công ty TNHH Phát Triển thâu tóm, phần còn lại trong số 31,6 ha nêu trên được giao cho Tổng công ty Bình Dương quản từ năm 2007.

Sau khi cổ phần hóa, có 15 ha đất đã được “sang tay” cho Công ty CP An Bình để xây dựng công ty logistics và bãi trung chuyển container. Diện tích đất này ngoài tiếp giáp phần lớn với đường Mỹ Phước Tân Vạn còn có chiều dài khoảng 300 m tiếp giáp với hẻm nhựa 633 (thuộc KP.9, P.Phú Lợi).

Năm 2017, Công ty CP An Bình đã cho xây dựng hàng rào bao quanh khu 15 ha. Trong quá trình xây dựng thì xảy ra tranh chấp với các hộ dân khi Công ty An Bình cho bịt tôn kín chiếm luôn đường thoát nước và đường dây điện, chỉ để lại con hẻm khoảng 4 m.

PV Thanh Niên cũng đã đặt câu hỏi về việc 15 ha đất đã rơi vào Công ty An Bình bằng hình thức nào, có thông qua đấu giá hay không... với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng.

Trầy trật xin đất xây trường học

Trong diện tích 31,6 ha, vào năm 2014 UBND TX.Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) xin chủ trương sử dụng một phần đất để xây dựng Trường tiểu học Phú Lợi 2.

Tuy nhiên, thời điểm này ông Lê Thanh Cung là Chủ tịch UBND tỉnh không chấp thuận chủ trương. Sau đó, đến khi ông Trần Văn Nam làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (nay là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - PV) việc xây dựng Trường tiểu học Phú Lợi 2 cũng vẫn chưa được xúc tiến.

Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Bình Dương (hiện do ông Trần Thanh Liêm làm chủ tịch) mới có quyết định thu hồi diện tích 9.960 m2 (trong tổng số 31,6 ha) của Tổng công ty Bình Dương để giao UBND TP Thủ Dầu Một xây dựng Trường tiểu học Phú Lợi 2.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.