Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, ngày 15/8, thông tin từ bệnh viện Quân y 175 cho biết, cơ sở này đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp mắc bệnh não mô cầu. Bệnh nhân là nam thanh niên L.T.A. (21 tuổi, ngụ tại TPHCM).
Theo đó, trước khi đến bệnh viện, nam thanh niên có biểu hiện sốt cao từ 39oC đến 40oC, rét run, cơ thể nhức mỏi. Bệnh nhân đã uống thuốc tây nhưng tình trạng sốt không thuyên giảm. Một ngày sau, T.A. có biểu hiện nặng hơi với triệu chứng nôn ói, sốt cao kéo dài nên được chuyển đến bệnh viện Quân Y 175 điều trị.
Nam thanh niên này khi vào viện, trên cơ thể có xuất hiện các đốm màu hồng rải rác ở chân tay, ngực và bụng rồi chuyển sang màu tím, tình trạng nổi ban ngày càng nhiều trên cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh bị đừ, cứng gáy, tiếp xúc khó khăn. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị não mô cầu nên tiến hành xét nghiệm kiểm tra thì cho kết quả dương tính. Qua nhiều ngày điều trị tích cực, hiện sức khỏe của người bệnh đã bình phục tốt.
Báo VnExpress thông tin thêm, hiện tại bệnh nhân hiện đã được điều trị hồi phục. Đây là trường hợp thứ hai mắc não mô cầu tại TP HCM tính từ đầu năm. Vào cuối tháng 5, một bé gái 5 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do sốt cao, da tím tái, tử vong chỉ sau vài giờ và được xác định là trường hợp viêm não mô cầu đầu tiên tại thành phố.
Trung tâm y tế dự phòng TP HCM đã khoanh vùng dịch tễ, xử lý và kiểm soát dịch bệnh nơi bệnh nhân sinh sống và làm việc. Hiện chưa ghi nhận thêm ca bệnh mới trên địa bàn.
Bệnh viêm não mô cầu rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp. (Ảnh minh họa). |
Theo Trí thức trẻ, đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên. Đặc biệt, bệnh rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp.
TS-BS Nguyễn Huy Luân, phụ trách phòng khám nhi BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh có hai hội chứng chính là nhiễm trùng và viêm màng não. Biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau bụng, gan lách to,… Hội chứng viêm màng não thì tùy theo độ tuổi: Trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện thóp phồng ở đầu; trẻ lớn hơn thì triệu chứng rõ hơn như cứng gáy…
Nguyên nhân bệnh bùng phát thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên gây nên tình trạng nhiễm trùng, nơi cư trú có trẻ bị bệnh sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi… Viêm màng não gây ra nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não gây tổn thương thần kinh trung ương. Những biến chứng khác như áp xe trong não, tình trạng nhiễm trùng có thể lan toàn bộ cơ thể, gây ra bệnh nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Khi có biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần tránh cho trẻ ở nơi đông người, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh lây nhiễm môi trường xung quanh như khi trẻ ho phải sử dụng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Những khu vực đã có trẻ bị viêm não thì phải khuyến cáo, đề phòng cho người xung quanh biết. Nếu phát hiện trẻ bị sốt cao, bứt rứt, ói liên tục và đặc biệt nếu trẻ lớn bị nhức đầu kèm ói, đó là những biểu hiện tình trạng tổn thương đến thần kinh, cần đưa trẻ đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Báo Khám Phá đưa tin, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên, nhiễm trùng nghiêm trọng màng não, gây tổn thương não, tỉ lệ tử vong khoảng 50% số ca mắc bệnh nếu không được điều trị.
Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Tiếp xúc gần và dài kỳ như hôn, hắt hơi hoặc ho vào ai đó, hoặc sống gần người bệnh, dùng chung đồ ăn thức uống, hay đồ vật sinh hoạt với người mang bệnh dễ bị lây lan.
Trẻ cần phải được tiêm phòng viêm não mô cầu. (Ảnh minh họa). |
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ em và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.
Thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, nhưng có thể dao động từ 2 - 10 ngày. Vi khuẩn Neisseria meningitidis chỉ lây nhiễm ở người, động vật không chứa mầm bệnh. Các nhà khoa học tin rằng có từ 10% đến 20% dân số chung của thể giới mang vi khuẩn Neisseria meningitidis trong cổ họng vào bất kỳ thời điểm trong cuộc đời.
Theo một số tài liệu khác, tỷ lệ người nhiễm não mô cầu không có triệu chứng khoảng 5 - 10%, tuy vậy tại khu vực có dịch thì tỷ lệ này có thể lên đến 20% hoặc hơn. Tỉ lệ lan truyền bệnh có thể cao hơn vào các dịp dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt hoặc ăn uống, vệ sinh, phòng bệnh kém.
Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi, có thể có đau họng, xuất hiện chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp cũng có tới 5% - 10% bệnh nhân bị tử vong, thường xảy ra trong vòng 24 - 48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Viêm màng não do vi khuẩn có thể gây tổn thương não, giảm thính lực hoặc gây khuyết tật học tập ở 10% đến 20% những người sống sót.
Hiện bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A, nhóm B đã từng lưu hành ở nhiều địa phương, trước kia có thể gây thành dịch. Tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện một số trường hợp rải rác trong năm với tỷ lệ mắc bệnh là rất thấp.
Bệnh viêm màng não mô cầu có khả năng tử vong cao, nên phải xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu. Cần cho nhập viện càng sớm càng tốt. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp phát hiện sớm và xử lý ổ dịch để chống lây lan.
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
3. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.