Thí sinh nộp bài thi trong kì thi THPT quốc gia năm 2017- Ảnh V.H |
Theo đó, việc chấm thi sẽ theo thang điểm 10 và điểm lẻ của tổng điểm toàn bài thi sẽ làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Điểm của bài thi tổ hợp là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Với thí sinh chọn cả 2 bài thi tổ hợp, máy tính sẽ tự động chọn bài thi điểm cao nhất và không có môn thành phần nào bị điểm liệt để xét tốt nghiệp.
Nói thêm về điểm mới này, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT giải thích ví dụ thí sinh được 4,99 điểm thì không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên.
Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 mới được cộng tròn thành 5 điểm.
Theo PGS-TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, quy định này sẽ phản ánh sát hơn kết quả bài thi của thí sinh và đảm bảo công bằng hơn giữa các thí sinh.
Dự thảo cũng điều chỉnh một số nội dung liên quan tới đối tượng, thủ tục đăng kí dự thi.
Riêng phần xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, dự thảo bỏ qui định tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo.
Thay vào đó, dự thảo sửa đổi Khoản 6 Điều 49 thành: "Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Bộ GD-ĐT sẽ xin ý kiến góp ý của dư luận về dự thảo này đến hết ngày 20-2-2018