Với kinh nghiệm giảng dạy, luyện và chấm thi THPT nhiều năm với môn Văn, thầy giáo, Th.s Phan Trắc Thúc Định (GV trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội) đã chỉ ra 6 lỗi cơ bản mà học sinh hay mắc phải, dễ mất điểm nhất trong quá trình ôn thi và làm bài thi môn Văn.
1. Phân bố thời gian làm bài chưa hợp lý
Nắm được nội dung phần Đọc hiểu, phần Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) và đặc biệt là mức điểm đạt cho mỗi phần, mỗi câu hỏi sẽ giúp cho các bạn học sinh có ý thức phân bố thời gian hợp lý khi làm bài.
Nhiều học sinh do mải mê làm những câu mình chắc kiến thức mà quên, thậm chí bỏ qua các câu hỏi khác. Do vậy, các em trình bày chi tiết, dài dòng ở những câu mình nắm chắc nhưng ít điểm và bỏ qua, hoặc không đầu tư cho các câu có số điểm cao hơn.
Thầy giáo, Th.s Phan Trắc Thúc Định chia sẻ những lỗi thí sinh thường mắc phải trong làm bài thi môn Văn. |
Đây là lý do vì sao các em dành ít thời gian cho các câu nhiều điểm, thậm chí gần hết giờ mới làm, hoặc có làm thì cũng rất sơ sài. Thậm chí có bạn mất khá nhiều thời gian cho việc lập dàn ý, viết mở bài, viết đoạn văn (ra nháp)... dẫn đến thiếu thời gian cho viết các đoạn văn, bài văn một cách đầy đủ khiến mất điểm, không đạt điểm cao.
Ở đây, học sinh nên xác định rõ việc dành nhiều thời gian cho các câu hỏi nhiều điểm trong đề bài.
Bình thường, học sinh có thể chia đôi thời gian: 1 nửa để dành làm phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội (tổng điểm của 2 phần này là 5,0 điểm); nửa thời gian còn lại để làm câu Nghị luận Văn học (5,0 điểm).
Tuy nhiên, các câu Đọc hiểu và Nghị luận xã hội sẽ là những câu hỏi học sinh khá quen trong quá trình ôn luyện; còn câu Nghị luận văn học sẽ có tính nâng cao – phân hóa thí sinh, nội dung kiến thức hỏi liên quan các tác phẩm Ngữ văn 12 với Ngữ văn 11. Vì vậy, các em nên dành phần lớn thời gian cho phần viết câu Nghị luận văn học.
Cụ thể thời gian phân bố cho các phần như sau:
- Phần đọc hiểu 15 – 20 phút.
- Câu nghị luận xã hội là 25- 30 phút.
- Thời gian còn lại là viết câu Nghị luận Văn học.
Học sinh cũng nên dành thời gian gạch ra nháp với các câu hỏi khó, câu hỏi dài để khi viết tránh bỏ sót ý, lặp ý. Đồng thời, học sinh nên dành thời gian 5 phút để soát lại toàn bộ bài viết cho chính xác trước khi nộp.
2. Không đọc kỹ, xác định đúng vấn đề dẫn đến làm sai đề, lạc đề
Học sinh thường chủ quan cho việc đọc và gạch chân các từ khóa trong đề nên thường đọc vội, qua loa dẫn đến hiểu sai, làm thiếu ý, làm sai ý hỏi của đề.
Mỗi câu hỏi trong đề thi đều có những từ khoá quan trọng để học sinh xác định dạng bài, phạm vi kiến thức, các yêu cầu... Nếu không đọc kỹ đề bài, các em dễ dàng làm sai đề, lạc đề, mất điểm.
Lời khuyên: Sau khi nhận đề, học sinh cần đọc kỹ, đọc đi đọc lại để hiểu đề kỹ hơn. Trong khi đọc, học sinh cần chú ý đến nội dung bố cục, những câu hỏi, những từ ngữ quan trọng (gạch chân hoặc đánh dấu vào những chi tiết, câu hỏi); thậm chí chú ý cả nguồn trích dẫn, nhan đề/tiêu đề văn bản, dung lượng, thao tác yêu cầu…
Xác định số câu hỏi, số vế trong từng câu hỏi, mức điểm từng câu, từng vế... Chú ý các từ “những”, “các” trong câu hỏi bao giờ cũng phải trả lời từ 2 ý trở lên; các từ “chính” hay “nổi bật nhất”... thì phần trả lời chỉ có một đáp án.
Phần Nghị luận xã hội bao giờ cũng yêu cầu viết đoạn văn (chứ không phải bài văn) – dung lượng khoảng 200 chữ. Câu Nghị luận văn học sẽ có khoảng 2 tác phẩm, chi tiết, đoạn trích để cảm nhận, vì vậy học sinh nên vận dụng kết hợp các thao tác phân tích, so sánh, bình luận để làm bài...
3. Viết lan man, dài dòng, không trọng tâm câu hỏi
Đây là trường hợp học sinh xác định đúng ý hỏi nhưng chưa bám sát luận điểm hay chưa trúng yêu cầu của đề bài, trình bày dài dòng, lan man sang những vấn đề khác. Việc này vừa làm mất thời gian của học sinh vừa khiến bài làm mất điểm.
Ví dụ như ở câu hỏi Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội, đề thường có câu hỏi “anh/chị có đồng tình với ý kiến...”; “đồng tình với quan niệm...”, và trình bày ý kiến của mình, lý giải vì sao?
Vậy với câu hỏi này, học sinh chú ý có 2 ý hỏi: đồng tình/không đồng tình và lý giải vì sao lại chọn?
Như vậy, tùy vào vấn đề, đề tài mà học sinh lựa chọn và triển khai lý giải. Nhìn chung, học sinh phải biết sử dụng nhiều thao tác lập luận, soi sáng vấn đề từ nhiều góc độ và thể hiện rõ chính kiến của mình.
Theo tôi, có 3 cách để học sinh triển khai như sau:
- Một là đồng tình với ý kiến
- Hai là phản đối ý kiến
- Ba là vừa đồng tình vừa phản đối ý kiến (kết hợp hai cách lập luận trên)
Tuy nhiên, dù chọn cách nào học sinh phải đưa ra lý giải vì sao lại chọn lựa như vậy. Đây là dạng câu hỏi mở nên học sinh khó chép được theo văn mẫu mà phải tự mình đưa ra đáp án.
Vì đáp án cũng là đáp án mở nên giáo viên sẽ căn cứ nội dung và hình thức trình bày của học sinh để cho điểm.
Yêu cầu học sinh trình bày ngắn gọn, sáng sủa, trình bày những suy ngẫm, cảm xúc, hiểu biết của bản thân một cách trung thực, chân thành, tránh lan man, kể lể lê thê, dài dòng.
4. Trả lời vắn tắt, câu cụt, gạch xóa...
Nhiều học sinh được thầy cô ôn luyện là nên “hỏi gì đáp nấy”. Điều này là đúng nhưng không có nghĩa là học sinh trình bày theo thói quen: đề hỏi gì thì trả lời trực tiếp và rất ngắn gọn mà không dẫn dắt, diễn giải, phân tích; đôi khi câu trả lời cụt ngủn, không đủ chủ ngữ - vị ngữ; thậm chí chữ viết ẩu, khó đọc; bài làm gạch xoá, sử dụng và lạm dụng các ký hiệu, bài viết nhiều màu mực... Điều này đều khiến bài làm không thể giành điểm tối đa dù đã trả lời đúng trọng tâm.
Bài học rút ra ở đây: nếu với các câu hỏi nhận biết, tái hiện kiến thức, học sinh có thể trả lời gọn gàng, trúng ý, không lan man. Nhưng với những câu hỏi vận dụng, liên hệ và đặc biệt là tạo lập văn bản (đoạn văn, bài văn), học sinh nên trình bày theo các thao tác lập luận cụ thể, có liên hệ, so sánh, lý giải; phân tích...
Bài thi môn Văn càng trình bày rõ ràng, rành mạch, sạch đẹp thì càng tốt. Diễn đạt cần đúng ngữ pháp, giàu hình ảnh và cảm xúc thì điểm càng cao.
Học sinh nên rèn những lỗi diễn đạt lủng củng, viết sai chính tả, không gạch xóa, viết thiếu nét, thiếu dấu…
5. Viết đoạn văn nghị luận xã hội không có dẫn chứng
Nhiều học sinh có thói quen làm với phần Nghị luận xã hội là viết sao cho kín một trang giấy thi, đảm bảo đủ dung lượng khoảng 200 chữ mà không quan tâm tới các thao tác lập luận. Bên cạnh hệ thống các luận điểm, lý lẽ, để tăng tính thuyết phục của bài văn, học sinh cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể.
Để đoạn nghị luận xã hội thêm sinh động, hấp dẫn, hệ thống dẫn chứng cũng cần thích hợp. Đó là những dẫn chứng từ thực tế đời sống, càng xác thực, cụ thể càng có tính thuyết phục cao.
Học sinh cần nêu và phân tích, bàn luận về dẫn chứng, kèm thái độ, quan điểm đánh giá rõ ràng trên cơ sở nhân văn và tiến bộ.
6. Học tủ, học vẹt
Với cách ra đề đổi mới như hiện nay, việc học tủ, học vẹt không còn phù hợp. Theo đó, học sinh nên chủ động ôn luyện thật kỹ, tham khảo các đề thi và đáp án đổi mới.
Tận dụng thời gian ôn tập trên lớp với giáo viên và các bạn học cùng; không hiểu gì hỏi ngay thầy cô để có được hiểu biết nhất định.
Học sinh cũng cần sưu tầm và tự giải nhiều đề, tiếp cận với các câu hỏi mới, không nên đọc đáp án trước, mà nên tư duy tự trả lời, sau đó mới so sánh đáp án sau.
Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định
Ôn thi THPT quốc gia môn Hóa: Bí kíp ôn lí thuyết nhẹ nhàng mà hiệu quả trong 30 ngày
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, các sĩ tử 2000 sẽ chính thức bước vào kì thi THPT quốc gia 2018. Trong thời gian này ... |
Ôn thi THPT quốc gia môn Văn: Các bước đạt điểm tối đa phần nghị luận xã hội 200 chữ
Câu hỏi nghị luận xã hội 200 chữ chiếm 2 điểm trong đề thi THPT quốc gia 2018 môn Văn. Vậy thí sinh phải viết ... |