Ý kiến trên được bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) đưa ra trong cuộc trao đổi, lấy ý kiến về dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017 do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày 13/9, tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Phương Nga, cũng khẳng định, nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, đề thi hay dạng thức thi tự luận hay trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng tới việc dạy và học của học sinh và giáo viên trên lớp. Các thầy cô giáo cứ dạy đúng chương trình, không cắt xén thì học sinh sẽ học tốt và đủ kiến thức làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Dạng thức thi tự luận hay trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng tới việc dạy và học của học sinh và giáo viên trên lớp (Ảnh minh họa) |
Theo bà Nguyễn Phương Nga, từ trước đến nay, mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là đánh giá được kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất mà học sinh phải nắm được trong chương trình lớp 12. Kỳ thi này sẽ xem xét các học sinh có đủ năng lực, khả năng để tốt nghiệp hay không, còn việc có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh hay không là quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ.
Theo bà Nga, hình thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều câu hỏi phủ rộng sẽ đo được kiến thức, kỹ năng của học sinh trong từng môn học hơn và đánh thí sinh toàn diện hơn. Tổ chức thi trắc ngiệm khách quan thì các thí sinh sẽ không xuất hiện tình trạng học lệch, học tủ, đảm bảo phải học đều các môn kể cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.
Bà Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm khách quan cũng đảm bảo công bằng cho các thí sinh khi được chấm bài hoàn toàn bằng máy theo đáp án thống nhất, không bị chi phối bởi các yếu tố như khi giáo việc chấm thi tự luận.
Bà Nga lưu ý thêm, vào đầu tháng 10 tới, khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa thì cần phải làm rõ cấu trúc đề thi có bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu khó để học sinh, giáo viên và phụ huynh nắm rõ.
Theo GS. TS Lâm Quang Thiệp,Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, không thể nói việc làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận thì phương pháp nào tốt hơn. Mỗi phương pháp đều ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, trong một kỳ thi mang tính tiêu chuẩn hóa cao và quy mô lớn như kỳ thi THPT quốc gia thì phương án thi trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp thi tự luận.
Trong khuôn khổ cuộc trao đổi, liên quan đến những tranh luận xung quanh việc nên hay không thi trắc nghiệm môn Toán, GS. TS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: "Đây không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà là kỳ thi THPT quốc gia. Việc sàng lọc chỉ mang tính chất phân loại thí sinh có đủ năng lực để vào đại học hoặc không đủ năng lực. Còn nếu thi tuyển để chọn nhân tài thì đương nhiên không nên thi trắc nghiệm môn Toán".
Nhân Văn