Thị trường BĐS Lâm Đồng tiếp đà ảm đạm, lượng giao dịch giảm hơn 10.000 trong quý đầu năm

Quý I/2023, Lâm Đồng có 2.192 giao dịch bất động sản, trong khi quý cùng kỳ là 12.467 giao dịch.

Một góc TP Đà Lạt. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Theo Báo Lâm Đồng, trong quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 2.192 giao dịch, giảm hơn 10.000 so với cùng kỳ năm 2022. Cùng thời điểm này năm 2022, giao dịch đất nhà tại Lâm Đồng có 12.467 giao dịch. Bên cạnh đó, cấp giấy phép xây dựng bất động sản cũng sụt giảm 50%.

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, trước sự đóng băng của thị trường bất động sản, thu ngân sách Nhà nước trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng, chậm tiến độ.

Trong đó, 2 khoản thu chủ yếu từ giao dịch bất động sản là thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do số hồ sơ giao dịch chuyển nhượng bất động giảm mạnh.

Tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký văn bản chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Trên thực tế, ngay từ quý III/2022, hoạt động mua bán bán đất nền tại Lâm Đồng đã có dấu hiệu giảm mạnh khi chỉ có hơn 6.000 nền được giao dịch thành công (giảm hơn 13.000 so với quý II), giá đất có xu hướng giảm nhẹ, một số nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ.

"Bước sang quý IV, thị trường bất động sản Lâm Đồng gần như đứng yên. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại địa phương gặp khó khăn khi có trên 20 doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân sự và giảm lương", VARS cho biết.

Tiến độ các dự án đầu tư tại tỉnh cũng bị trì trệ khi gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do giá thị trường vá giá đền bù chênh lệch khá lớn. Điểm sáng năm qua của thị trường Lâm Đồng là địa phương đã cơ bản kiểm soát được tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển nhượng đất.

Tại buổi làm việc với Lâm Đồng hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những bất cập trong công tác quy hoạch; sử dụng tài nguyên đất đai; giải ngân đầu tư công; giải phóng mặt bằng các công trình và kết nối liên vùng chưa tốt.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhiều khu vực ở Tây Nguyên đã xảy ra sốt đất cục bộ như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum),… Một làn sóng từ các sàn giao dịch, nhà đầu tư đã đổ bộ các thị trường này trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.