Một năm nhiều nốt trầm của bất động sản Tây Nguyên

Thị trường bất động sản Tây Nguyên vừa trải qua một năm trầm lắng khi các phân khúc sụt giảm thanh khoản, nhiều dự án bị thanh tra và thu hồi, nguồn cung ít ỏi... Mặc dù vậy, khu vực này vẫn được giới chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa phát triển bất động sản.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2, bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), đây là khu vực có tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng mạnh.

Trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao, nhiều chủ đầu tư chuyển hướng về Tây Nguyên. 

Từ giữa năm 2020, khu vực này đã lọt mắt xanh nhiều doanh nghiệp lớn như T&T, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh,... Các nhà đầu tư cá nhân cũng ồ ạt tìm về Tây Nguyên, tạo nên những cơn sốt đất.

Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, khu vực Tây Nguyên đã xảy ra sốt đất xảy ra cục bộ tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum),… Một làn sóng từ các sàn giao dịch, nhà đầu tư đã đổ bộ các thị trường này. 

Sau giai đoạn tăng nóng, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã hạ nhiệt từ quý III. Lượng giao dịch trên toàn khu vực giảm 50 - 70% so với quý II. Các phân khúc sụt giảm thanh khoản; nhiều dự án bị thanh tra và thu hồi; nguồn cung ít ỏi...

Một góc TP Đà Lạt. (Ảnh tư liệu: Nguyên Ngọc).

BĐS Kon Tum đóng băng trong quý IV

Tại Kon Tum, trong năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra dự án có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 1/1/2016 đến 31/12/2019.

Kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp đầu cơ, có dấu hiệu trốn thuế; giao đất không thông qua đấu giá; nhiều vi phạm trong khâu tổ chức đấu giá; vi phạm chuyển nhượng sau đấu giá đất...

Thanh tra cũng công bố 3 dự án có dấu hiệu sai phạm trong giao đất, cho thuê đất, bao gồm Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum; Siêu thị Co.opmart Kon Tum và Khu dân cư Hoàng Thành..

Trong mảng bất động sản công nghiệp, tỷ lệ đưa đất vào sử dụng tại các KCN đạt thấp. Một số doanh nghiệp thuê đất tại KCN không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất sai mục đích. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất hoạt động kém hiệu quả. 

Theo thống kê của VARS, trong quý IV vừa qua, thị trường bất động sản Kon Tum rơi vào tình trạng đóng băng, trái ngược hoàn toàn khung cảnh sôi động với khối lượng giao dịch lên đến gần 24.000 hồ sơ đăng ký biến động đất đai trong quý I.

Lâm Đồng có dấu hiệu cắt lỗ

Tại Lâm Đồng, ngay từ quý III, hoạt động mua bán bán đất nền đã giảm mạnh khi chỉ có hơn 6.000 nền được giao dịch thành công (giảm hơn 13.000 so với quý II), giá đất có xu hướng giảm nhẹ, một số nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ.

"Bước sang quý IV, thị trường bất động sản Lâm Đồng gần như đứng yên. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại địa phương gặp khó khăn khi có trên 20 doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân sự và giảm lương", VARS cho biết.

Tiến độ các dự án đầu tư tại tỉnh cũng bị trì trệ khi gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do giá thị trường vá giá đền bù chênh lệch khá lớn. Điểm sáng năm qua của thị trường Lâm Đồng là địa phương đã cơ bản kiểm soát được tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển nhượng đất.

Tại buổi làm việc với Lâm Đồng hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những bất cập trong công tác quy hoạch; sử dụng tài nguyên đất đai; giải ngân đầu tư công; giải phóng mặt bằng các công trình và kết nối liên vùng chưa tốt.

Đất nền Đắk Lắk sụt giảm thanh khoản

TP Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, thời điểm tháng 1/2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với trước.  

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh có hơn 103.000 giao dịch mua bán đất đai, tăng gần 200% so với cùng kỳ khiến giá đất tăng cao. Bất động sản được giao dịch tập trung tại các xã và vùng phụ cận TP Buôn Ma Thuột; các vị trí ven hồ, ven suối và gần các công trình trọng điểm. 

Từ quý III, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản ở các phân khúc sụt giảm nhanh chóng, đặc biệt là ở phân khúc đất nền. 

VARS cho biết trong quý III chỉ có 3 dự án chào bán, gồm dự án Thành Phố Cà phê, Ecocity Premia dự án Ân Phú, đây đều là các dự án cũ đã mở bán từ tháng 12/2020. Lượng giao dịch trong quý III cũng rất thấp, giá bán không có sự thay đổi.

Nguồn cung toàn thị trường Đắk Lắk đạt gần 2.100 sản phẩm, trong đó hơn 80% là loại hình liền kề, biệt thự với giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/m2.

Còn tại Gia Lai, không có dự án bất động sản được chào bán ra thị trường, đất nền cũng trầm lắng, không còn sôi động như trước.

Dù trải qua một năm trầm lắng, song theo nhận định của VARS, bất động sản Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin quy hoạch để đầu tư bất động sản tại các khu vực đắc địa, hạn chế những sản phẩm sang tay quá nhiều lần.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.