Thị trường vàng đang bị 'kẹt' giữa kỳ vọng lạm phát và đà tăng của đồng USD

Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa trải qua 1 tuần với những phiên tăng giảm đan xen. Theo giới phân tích, kim loại quý đang bị kẹt giữa kỳ vọng lạm phát và đà tăng của đồng USD.
Thị trường vàng đang bị 'kẹt' giữa kỳ vọng lạm phát và đà tăng của đồng USD - Ảnh 1.

Vàng và USD. (Ảnh: Kitco).

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước tuột khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng tại trường châu Á sụt giảm do đồng USD mạnh lên và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao, qua đó làm “lu mờ” sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.

Tuy nhiên, kim loại quý nhanh chóng phục hồi trên mốc 56 triệu đồng/lượng trong phiên 12/1 khi giá vàng thế giới phục hồi trong bối cảnh chứng khoán giảm do bất ổn chính trị tại Washington và tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới chậm lại.

Trong phiên giao dịch 13/1, giá vàng thế giới tiếp tục đi lên do đồng USD suy giảm và lợi suất trái phiếu Mỹ hạ. Thêm vào đó, triển vọng về gói kích thích kinh tế lớn hơn từ Chính phủ Mỹ cũng thúc đẩy nhu cầu mua vào vàng như một hàng rào chống lạm phát. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nhẹ và giao dịch trên mốc 56 triệu đồng/lượng.

Đà tăng của kim loại quý tiếp tục được duy trì trong 2 phiên tiếp theo đó. Sang phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giảm hơn 1%, do sự mạnh lên của đồng USD. 

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.827,90 USD/ounce trong khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,2% xuống 1.829,90 USD/ounce. Giá vàng trong nước theo đó quay đầu giảm.

Cuối giờ sáng 16/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,8 - 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này giảm 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. 

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng 400 - 500 nghìn đồng/lượng.

Theo số liệu của FactSet, mức giảm trong phiên cuối tuần giao dịch vừa qua đã kéo giá vàng thế giới giảm 0,3% so với tuần trước đó.

Nhà phân tích Suki Cooper, tại Standard Chartered, nhận định đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã kích hoạt các đợt điều chỉnh ngắn hạn.

Theo nhà phân tích này, thị trường vàng đang bị kẹt giữa hoạt động mua vào trong dài hạn nhờ kỳ vọng lạm phát gia tăng và hoạt động bán ra do đà tăng của đồng USD và lo ngại về sự thu hẹp chương trình nới lỏng tiền tệ.

Ngày 14/1, Tổng thống đắc cử ở Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này ứng phó với đại dịch. 

Ông nhấn mạnh kinh tế Mỹ cần sự hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh. Đây là kế hoạch kích thích kinh tế đầu tiên của ông Biden.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley thuộc OANDA nhận định các biện pháp kích thích sẽ gây ra tình trạng tăng giá trên các thị trường tài sản và với việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell loại bỏ bất kỳ triển vọng tăng lãi suất hoặc giảm chương trình mua trái phiếu sớm, vàng sẽ được hỗ trợ.

Nhà tư vấn Harshal Barot phụ trách khu vực Nam Á thuộc Metals Focus cho hay ngoài những "cơn gió ngược" trong ngắn hạn, nếu đồn đoán lạm phát bắt đầu tăng nhanh, vàng sẽ lại trở nên hấp dẫn. Có khả năng vàng sẽ bứt phá trên mốc 2.000 USD một lần nữa.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.