Lớp học mầm non ở bản Tai Giác, xã Phú Sơn, huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa. Hiện nay Quan Hóa thiếu cả trăm giáo viên mầm non mới đủ giáo viên đứng lớp theo quy định - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
“Tình trạng thiếu giáo viên ở mầm non và tiểu học là do nhu cầu phát triển trường lớp, quy mô học sinh tăng mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế đội ngũ giáo viên" Ông Đậu Văn Thanh (giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An) |
Theo các tỉnh, diễn ra tình trạng thiếu giáo viên là do số lượng học sinh tăng trong khi chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hạn chế.
Học sinh tăng, giáo viên không tăng
Ghi nhận từ các địa phương cho thấy Thanh Hóa hiện là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất. Cụ thể, ngành GD-ĐT tỉnh này hiện thiếu 2.549 giáo viên mầm non, 359 giáo viên bậc tiểu học cho năm học mới so với tổng biên chế mà UBND tỉnh giao cho ngành giáo dục tỉnh này.
Theo lý giải từ Sở GD-ĐT Thanh Hóa, trong những năm qua bậc học mầm non của tỉnh luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
“Số học sinh, số lớp ở bậc mầm non ba năm trở lại đây tăng. Nhưng tổng biên chế giáo viên mầm non không tăng là một trong những nguyên nhân thiếu giáo viên. Còn về bậc tiểu học, hiện đang thiếu giáo viên dạy văn hóa, tiếng Anh, tin học...” - một lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa giải thích.
Trong khi đó ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cũng cho biết năm học mới này địa phương xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.
“Hiện tỉnh thiếu giáo viên dạy ở cấp mầm non với số lượng hơn 600, khoảng 400 giáo viên tiểu học, THCS khoảng 100 giáo viên. Bởi vì năm nay số lượng học sinh cả tỉnh tăng (khoảng 11.000). Trong đó tăng chủ yếu số học sinh mầm non, vì vậy nhu cầu giáo viên cấp này cũng tăng cao” - ông Quốc nói.
Tương tự, ông Đoàn Dụng - giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi - thông tin: “Theo số liệu thống kê mà các trường báo cáo về, hiện Quảng Ngãi đang thiếu hơn 1.000 giáo viên các bậc học.
Ngày 30-8 sẽ họp ban cán sự Đảng, thống nhất chủ trương cho thi bổ sung những giáo viên còn thiếu ở các trường. Trong số này hơn 50% là giáo viên tiểu học”.
Tại Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết thông tư 06 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định đối với nhóm trẻ thì trường phải bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày thì bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp...
“Với quy định như trên, năm học 2017-2018 toàn tỉnh sẽ thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên mầm non ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có biên chế để đáp ứng theo yêu cầu của thông tư 06. Sở đã làm văn bản tham mưu để UBND tỉnh làm đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên mầm non nêu trên” - ông Khoa thông tin.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở GD-ĐT An Giang - cho biết tỉnh hiện đang thiếu 672 giáo viên và nhân viên ở các điểm trường học.
Ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang - cho biết đầu năm học 2017-2018, địa phương này thiếu tổng cộng khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu 700 người...
Áp lực dồn lên vai nhà giáo
Tại Thanh Hóa, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, các huyện Hoằng Hóa, Như Thanh, Nông Cống... đang triển khai biện pháp tình thế như giáo viên dạy môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, nhạc sẽ dạy liên trường trong một cụm, khoảng cách giữa các trường không quá 20km.
“Giải pháp này đảm bảo cho học sinh được học đủ các tiết môn đặc thù, nhưng về lâu dài sẽ gây khó khăn, vất vả cho giáo viên, nhất là giáo viên nữ trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ” - lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa nói.
Ông Lê Đình Xuân - trưởng Phòng GD-ĐT huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) - cho biết: “Sau khi UBND tỉnh cho phép huyện Quan Sơn xét tuyển hợp đồng 63 giáo viên mầm non, huyện vẫn còn thiếu hơn 100 giáo viên mầm non nữa mới đủ biên chế của tỉnh giao và thực tế tại địa phương. Do thiếu giáo viên, mọi áp lực đang đổ lên vai các cô giáo mầm non khi tình trạng thiếu giáo viên kéo dài”.
Trong khi đó, dù dư thừa giáo viên ở bậc học THCS nhưng tỉnh Nghệ An lại còn thiếu 539 giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu 161 chỉ tiêu do quy mô trường lớp tăng và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
“Có những giáo viên ở bậc THCS hợp đồng từ 5-10 năm do dôi dư nên một số nhà trường phải cử đi đào tạo lại để bố trí dạy học ở bậc mầm non, tiểu học để đảm bảo chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao” - ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, nói.
Còn ông Hà Thanh Quốc cho biết: “Để giải quyết việc thiếu giáo viên, sở chỉ đạo các phòng giáo dục huyện yêu cầu các trường có thể tổ chức dạy tăng tiết, mời thỉnh giảng hoặc mời dạy hợp đồng để chờ lượng giáo viên trúng tuyển trong kỳ thi viên chức sắp tới”.
Ông Quốc cho biết thêm tỉnh vừa mới có kế hoạch tuyển 1.174 giáo viên, trong đó có 674 mầm non, 430 tiểu học và 70 THCS.
“Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển để có lượng giáo viên bổ sung cho các địa phương đáp ứng việc giảng dạy” - ông Quốc nói.
Đưa giáo viên THCS qua dạy... mầm non Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, năm 2015 huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã “mạnh dạn” chuyển 28 giáo viên THCS sang dạy mầm non. Đây là số giáo viên THCS được tuyển dụng từ năm 2008, 2009, thuộc diện dôi dư vì số lớp của THCS giảm, nên giáo viên không dạy đủ tiết trong tuần theo quy định của ngành GD-ĐT. Trước khi đưa số giáo viên này sang dạy mầm non, Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Lặc để giáo viên tự nguyện viết đơn xin chuyển. |