Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến tháng 8/2018, cả nước có hơn 1,1 triệu giáo viên, trong đó bậc mầm non là gần 310.000, tiểu học là gần 400.000, THCS là gần 306.000 và THPT là gần 150.000. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã giao thêm biên chế để tuyển dụng là gần 76.000. Số lượng thiếu tập trung ở bậc mầm non (thiếu gần 44.000) trong khi bậc THPT thiếu hơn 3.000.
Riêng cấp THCS có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được. Điều này dẫn đến việc một số địa phương đã ký hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành, như: Krông Pắk (Đăk Lăk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên
Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri đầu tháng 10, Bộ Giáo dục chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên như hiện nay.
Thứ nhất là công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả nên tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến thừa thiếu cục bộ. Đặc biệt, từ sau năm 2011, khi mô hình trường bán công không còn, việc tuyển dụng giáo viên ở các trường lớp bán công vào trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.
Thứ hai là do dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp; đặc thù lớp học ít học sinh, có nhiều điểm trường lẻ ở vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, đối với giáo viên mầm non, việc thực hiện phổ cập dẫn đến nhu cầu bổ sung nhiều giáo viên đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường.
Thứ ba, việc thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì tỉnh thành được tổ chức tuyển dụng riêng.
Bộ Giáo dục cho rằng việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết cơ quan chuyên môn là Sở, Phòng Giáo dục không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hầu hết tỉnh thành không được giao thêm biên chế giáo viên dù số học sinh ở các địa phương vẫn tăng. Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên còn hạn chế.
Giải pháp từ Bộ Giáo dục
Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên gây bức xúc tại nhiều địa phương, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì (Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp) khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và địa phương tăng dân số cơ học.
Hiện, Bộ Giáo dục đã và đang chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp; nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên; xây dựng phần mềm quản lý và thống kê đội ngũ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có bất cập xảy ra.
Bộ cũng chỉ đạo các Sở Giáo dục thực hiện tốt chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp để làm căn cứ rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hiện có; từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn để nâng cao chất lượng đội ngũ; ban hành kế hoạch chi tiết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các địa phương rà soát, từng bước thực hiện việc dồn dịch các điểm trường lẻ về trung tâm, giảm dần sự phân tán, manh mún; qua đó giảm dần số nhân viên hỗ trợ, phục vụ trên tinh thần tăng cường thực hiện làm kiêm nhiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện công tác y tế trường học ở những nơi đủ điều kiện...
Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay tình trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên
Tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay ở cấp bậc mầm non và tiểu học hiện đang thiếu hàng nghìn giáo viên. Do đó, Thủ ... |
Vừa chấm dứt hợp đồng với hàng trăm người nhưng Đắk Lắk vẫn thiếu cả nghìn giáo viên
Mặc dù tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) vừa qua có hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, ... |
Không vội vàng điều chuyển giáo viên bậc THCS xuống Tiểu học
Tình trạng dôi dư giáo viên, vấn đề thu chi năm học và thực hiện dạy học 2 buổi/ngày là 3 vấn đề được tập ... |
Thiếu giáo viên mà không được tuyển
Năm học mới, lại rộ lên chuyện hàng trăm giáo viên ở nơi này nơi kia đứng trước nguy cơ mất việc, hàng nghìn cử ... |