Theo bà Phan Thị Viễn Phương, Giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Nhật Bản (JapanFoods), một trong hai đơn vị được cấp phép nhập khẩu chính thức bò Kobe vào Việt Nam,
mỗi tháng công ty bà nhập khoảng 200 kg thịt bò từ xứ sở hoa anh đào, trong đó có 100 kg bò Kobe, còn lại là bò Wagyu.
Số thịt bò trên được cung cấp cho khoảng 15 nhà hàng khách sạn 5 sao chủ yếu ở TP.HCM (một nhà hàng tại Đà Nẵng).
Để được chính thức nhập thịt bò đắt đỏ này từ Nhật, bà Phương cho biết phải mất một năm thương thảo. Doanh nghiệp bà cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nhập khẩu chính thức bò Kobe (từ tháng 8/2015).
Đầu năm 2017, một đơn vị khác trong nước là BioFarm (Hà Nội) cũng được cấp phép nhập khẩu chính thức loại bò này.
Giá bán mỗi kg thịt bò Kobe tại Việt Nam ở mức 16-19 triệu đồng/kg. Ảnh: VP. |
Theo tìm hiểu, giá bò Kobe tại BioFarm lại rẻ hơn rất nhiều so với giá bán lẻ tại JapanFoods. Cụ thể, 2 loại thịt đắt nhất là file và thăn bò Kobe tại BioFarm có giá 7,5 triệu đồng/kg.
Tại Kobe Legend (một đơn vị trực thuộc JapanFoods), thăn ngoại bò Kobe có giá 3,2 triệu đồng/200 gram; thăn nội là 3,4 triệu đồng/ 200 gram. Còn bò Hokkaido khoảng 1,8 triệu đồng/ 200 gram; bò Wagyu rẻ hơn nhiều.
Theo bà Phương, trong các loại thịt trên thì bò Kobe ngon hơn nhưng chưa phải là loại bò ngon nhất được nhập từ Nhật. Loại bò ngon và đắt nhất là bò Matsujaka.
Giống này khó nuôi, sản lượng ít, hầu như không xuất khẩu ra ngoài nước Nhật, vì không đủ cung cấp cho hệ thống nhà hàng, khách sạn 5 sao tại nước này.
Chủ doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch loại thịt bò đắt đỏ này cũng cho biết riêng những người thường ghé 2 nhà hàng của bà chủ yếu là giới quan khách, doanh nhân, ngôi sao hạng A… Khách nước ngoài thì chủ yếu đặt nhà hàng qua TripAdvisor.
Khách hàng của loại thực phẩm này là những người có thu nhập và đã từng ăn món thực phẩm này. Ảnh. HN. |
Đây là những người đã từng ăn thịt bò Kobe ở nhiều nơi, rất sành ăn, nên không thể làm động tác lấy bò này tráo đổi thành bò kia được. Mỗi miếng thịt bò Kobe nhập về đều có mã số. Khách hàng sẽ truy suất được nguồn gốc từng miếng thịt.
"Những người sành ăn chỉ cần nhìn màu thịt thử và cảm nhận sẽ biết có đúng bò Kobe hay không. Nếu làm ăn mất uy tín thì không bao giờ có lần 2 họ đến”, bà Phương cho biết.
Ngoài những nhà nhập khẩu chính thức, hiện không đơn vị nào có thể đưa loại thịt này về.
“Bò Wagyu thì có thể xách tay được chứ bò Kobe thì không. Đây là quy định của Nhật Bản. Mỗi miếng thịt bò đều có mã truy suất, quy cách đóng gói cũng theo chuẩn riêng đặc biệt.
Những con bò Kobe được chăm sóc đặc biệt chu đáo. Ảnh: VP. |
8-9 năm về trước, tôi có mua một kg bò Kobe từ Nhật Bản về làm quà biếu. Nhưng khi tôi đã ngồi lên máy bay vẫn bị gọi lại để làm thủ tục tịch thu, tiêu hủy”, bà Phương cho biết.
Thịt bò Kobe (thuộc vùng Kinki, Nhật Bản) được xem là loại thịt bò đắt đỏ nhất thế giới bởi nguồn cung ít, chi phí chăm sóc cao và chất lượng thơm ngon hảo hạng, hương vị không lẫn với bất kỳ loại thịt bò nào khác.
Bò Kobe được chăm sóc với quy trình vô cùng cầu kỳ, được nghe nhạc giao hưởng, uống bia, uống rượu sake, được mát xa, được mặc áo ấm khi lạnh giá. Yêu cầu quan trọng đối với chất lượng thịt bò Kobe là mỡ và thịt của chúng phải được phân bố đều, trong đó, mỡ chiếm khoảng 35%.