Mới đây, trong chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản – Đông Á Jenesys, 20 em học sinh THPT Việt Nam đã được đến đất nước mặt trời mọc, tham quan các làng nghề truyền thống, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, lịch sử Nhật Bản, được ở homestay cùng với các gia đình người Nhật. Dù chỉ 3 ngày nhưng việc ở cùng các gia đình Nhật, trực tiếp chứng kiến cuộc sống hàng ngày của họ, cách họ chăm sóc giáo dục con cái… là một trải nghiệm thú vị với các học sinh Việt Nam.
Các em đã cùng nấu ăn, uống trà, trò chuyện, đi chùa, tham quan trường tiểu học, đại học cùng các gia đình Nhật Bản.
Bùi Vũ Diệu Huyền (Lớp 12D Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành) - một học sinh có mặt trong chuyến đi nói cho biết cô bé rất ấn tượng với đường phố Nhật Bản sạch bong, không một hạt bụi và không khỏi nghĩ về những đường phố “nhìn đâu cũng thấy rác” của Việt Nam.
“Bản thân tôi chưa có ý thức giữ gìn không gian chung sạch sẽ. Ở Nhật, tôi học được một điều là khi đứng dậy cần nhìn xung quanh mình xem có bẩn không, có rác không và dọn sạch ít nhất phần không gian gần với mình”.
Trong các gia đình người Nhật mà Diệu Huyền được quan sát trong chuyến đi lần này, trẻ em từ nhỏ đã tự lập, được hướng dẫn và tham gia các công việc nhà cùng bố mẹ, học cách sắp xếp đồ gọn gàng sau khi chơi xong, quét nhà, gấp quần áo, phân loại rác thải…
Điều cô bé rất ấn tượng là khi quét cửa nhà mình, các em bé được bố mẹ hướng dẫn quét rộng ra hai bên hàng xóm 1 mét. Ý thức gọn gàng sạch sẽ không chỉ cho bản thân mình mà còn cho người khác, cho cộng đồng được hình thành từ nhỏ có lẽ là lý do khiến đường phố Nhật sạch bong, không có tí rác nào.
Với Đoàn Gia Huy (lớp 12A15 trường THPT Trưng Vương, TP.HCM), được tận mắt chứng kiến cuộc sống hàng ngày của một gia đình có con nhỏ ở Nhật Bản là một trải nghiệm giá trị, nhất là việc người chồng cùng làm các việc nhà, chăm sóc con cùng với vợ. Vốn dĩ là một người hay đến trễ, “giờ cao su” theo định nghĩa của người Việt, Huy cho biết:
“Nếu ở Nhật mà đi muộn thì sẽ vô cùng xấu hổ vì lúc đó cả đoàn đang sẵn sàng hết rồi, chỉ còn chờ đợi mỗi mình. Hẹn 3h nhưng xuống 3h kém 10 đã thấy họ ngồi chờ ở điểm hẹn rồi!” Người Nhật cực kỳ chính xác về giờ giấc và tôn trọng thời gian của người khác. Họ luôn luôn đến sớm 10-15 phút trước giờ hẹn để đảm bảo chắc chắn mình không đến trễ.
Cha mẹ trẻ Nhật Bản: Quan trọng nhất là con biết tự lập và có ý chí vượt qua khó khăn
Mặc dù vướng con nhỏ nhưng các gia đình trẻ của Nhật đã sắp xếp để đón tiếp các bạn trẻ Việt Nam để con mình có cơ hội giao lưu với các nước khác.
Thông thường, những gia đình nhận đón tiếp các đoàn khách đến ở homestay trong các chương trình giao lưu văn hóa Nhật thường là các bố mẹ nhiều tuổi, con cái đã ra ngoài sống tự lập, có phòng trống để đón khách.
Tuy nhiên, với đoàn Việt Nam lần này, những người tiếp đón đều là gia đình trẻ.
Mặc dù có con nhỏ, bận rộn với công việc, nhưng những cha mẹ này vẫn xung phong để đón đoàn homestay với mong muốn con mình có nhiều trải nghiệm với nhiều người từ các đất nước khác nhau.
Ông Suzuki – một gia đình homestay cho biết: “Tôi muốn con mình từ nhỏ được tiếp xúc với nhiều người, nhiều đất nước trên thế giới, con hiểu rằng ngoài bản thân mình ra còn có nhiều người, hiểu rằng thế giới rất phong phú… Mặc dù con tôi còn nhỏ thôi, 2-3 tuổi nhưng tôi mong con có thật nhiều trải nghiệm hay với người nước ngoài.”
Cùng chung suy nghĩ với ông Suzuaki, cùng với 4 năm du học ở Mỹ và có bạn thân là người Việt, cô Ka Katsu Waka San tin rằng khi những đứa con 1 tuổi, 2 tuổi của mình lớn lên, thế giới đã toàn cầu hóa, mọi người đối đãi với nhau không phân biệt màu da hay sắc tộc.
Do vậy, khi đón tiếp các đoàn khách từ Việt Nam hay nước khác đến homestay ở nhà mình, cô mong rằng những trải nghiệm thú vị này sẽ lưu lại trong tâm trí con, nuôi dưỡng ở con sự tôn trọng đối với con người từ các đất nước khác nhau.
Khi trao đổi về cách người Nhật nuôi dạy con cái, điều họ mong đợi ở con cái mình khi lớn lên, phẩm chất tính cách quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên… điều khiến các em học sinh Việt Nam ngạc nhiên là không hẹn mà gặp, các gia đình Nhật đều có câu trả lời tương đối gần gũi với nhau. Hiền lành, tử tế với người khác, biết cách tự lập và vượt khó… là những điểm chung trong mong muốn của các gia đình trẻ ở Nhật trong chuyến đi này.
Gia đình Katsu Waka San cũng như các gia đình Nhật khác chỉ mong con có thể tự lập, tử tế và vượt khó
Ông Suzuki cho biết nuôi dưỡng phẩm chất, tính cách cho con là thử thách cả đời của người làm cha mẹ. Mong muốn của ông là con mình lớn lên không đi bắt nạt người khác:
“Khi con bước vào tuổi vị thành niên, con có thể phản đối, phản kháng với cha mẹ - tôi có thể hiểu được điều đó- nhưng nhất thiết không được bắt nạt người khác. Tôi cũng mong con không bị lôi cuốn bởi kẻ xấu hay bạn bè xấu. Con có thể làm những điều con muốn dù điều đó có thể hơi khác người một chút, như trở thành nhạc sĩ chẳng hạn, nếu con thực sự muốn, miễn sao không ảnh hưởng xấu để mọi người xung quanh.”
Phẩm chất quan trọng nhất mà ông Suzuki cho rằng tuổi thanh thiếu niên cần có là ý chí tự lập, vượt qua những khó khăn xảy đến của mình.
“Khi con gặp trở ngại, tôi mong con không từ bỏ, trốn tránh mà đối diện và nỗ lực để có thể thực sự sống với giấc mơ của mình!”
Không có gì ngạc nhiên khi trẻ em Nhật Bản nổi tiếng thế giới về sự tự lập, tự phục vụ trong bữa ăn, tự vệ sinh trường học, tự đi bộ đến trường… bởi từ khi con còn rất nhỏ, các cha mẹ trẻ đã ý thức rõ ràng về mục tiêu của họ trong việc nuôi dạy con cái.
Cô Katsu Waka San chia sẻ rằng mối quan tâm, lo lắng lớn nhất của cô trong nuôi dạy con cái là làm sao để con có thể tự mình sống được tốt sau này.
Do vậy, trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình cô chú trọng để con tự lập, hướng dẫn cho con cái gì nguy hiểm, cái gì nên làm, không ôm đồm làm hay hay bao bọc cho con bởi nếu làm vậy thì sau này tương lai con không tự lập được.
Người mẹ này chỉ có ước mong con có sức mạnh để tự lập, tự mình giải quyết vấn đề của mình.
Là một thầy giáo, ông Tezuka cho biết Bộ giáo dục Nhật Bản có chủ trương và chính sách để trẻ em Nhật tự mình tự lập, tự giải quyết vấn đề.
Đương nhiên các em có sự giúp đỡ từ người lớn, nhưng trước hết trẻ em Nhật được khuyến khích trước hết tự tìm hiểu tại sao vấn đề xảy ra, làm sao để giải quyết… Đây là khả năng tự mình suy nghĩ và hành động để giải quyết vấn đề - năng lực thích ứng trong xã hội vô cùng cần thiết cho trẻ em.
Là người làm cha mẹ, ông Tezuka cũng mong ông có thể đưa đến nhiều cơ hội, lựa chọn để con mình có thể tự mình đưa ra các lựa chọn.
“Chúng tôi không ép buộc, ra lệnh để con theo ý mình, có muốn can thiệp vào các quyết định và lựa chọn của con cũng rất khó, chỉ mong con có khả năng tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình và có thể đối thoại với con nhiều nhất có thể, từ đó có thể góp phần định hướng tương lai của con .”
Là một thầy giáo, ông Tuzuka cho rằng tò mò và quan tâm là phẩm chất cần có ở thanh thiếu niên
Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ông Tezuka cho biết phẩm chất mà ông cho rằng vô cùng quan trọng đối với thanh thiếu niên là sự tò mò và quan tâm về thế giới xung quanh.
Khi trẻ tò mò quan tâm, có suy nghĩ muốn làm điều gì đó thì trẻ sẽ thành công trong tương lai, cho dù xuất thân không được may mắn như những đứa trẻ khác.
“Tò mò quan tâm và biến thành hành động là chìa khóa quan trọng đối với tương lai các em” - ông Tezuka nói.
Hạnh Nguyên –Nhung Anh