Tại kỳ họp thứ 20 vừa diễn ra, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương đầu tư hai hầm chui trên đường Vành đai 3. Đó là hầm chui chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3 (quận Bắc Từ Liêm) và hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 (quận Nam Từ Liêm).
Đối với hầm tại nút giao Tây Thăng Long - Vành đai 3, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.009 tỷ đồng. Hầm chui này có chiều dài khoảng 800 m.
Đối với hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3, dự án có tổng mức đầu tư hơn 972 tỷ đồng. Quy mô hầm này được xây dựng với quy mô 6 làn xe cơ giới. Tổng chiều dài hầm khoảng 565 m.
Vừa qua, lãnh đạo TP Huế đã có buổi đi thực địa, kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cầu vượt sông Hương, với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Cầu vượt sông Hương là công trình quan trọng, không chỉ góp phần giảm tải áp lực giao thông mà còn tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị Huế. Lãnh đạo thành phố yêu cầu dự án phải thông tuyến đúng thời hạn vào 26/3/2025 để sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân.
Ngày 9/1, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) cho biết, có 8 công trình trên địa bàn thành phố tới đây sẽ được thông xe đồng loạt từ ngày 17 đến 20/1, trước gần hai tuần đón Tết Nguyên đán 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Được biết, các công trình này bao gồm dự án hạ tầng giảm ùn tắc khu vực Tân Sơn Nhất cùng nhiều dự án xây cầu, mở đường, cải tạo kênh.
Xem chi tiết các dự án TẠI ĐÂY
Theo VnExpress, Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo phương án của Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án có điểm đầu tuyến tại khu vực nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến khoảng 388 km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 211.030 tỷ đồng.
Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ hợp long cầu Vàm Cỏ Đông và khởi công xây dựng Đường tỉnh (ĐT) 822B.
Tuyến ĐT 822B có chiều dài 11,4 km, điểm đầu giao với ĐT 825 (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa), điểm cuối giao với ĐT 838 (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ). Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư gần 920 tỷ đồng, quy mô đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7 m thảm bê tông nhựa, nền đường rộng 9 m.
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1).
Tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài đi qua địa phận 4 huyện bao gồm huyện Củ Chi (TP HCM) và ba huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), với tổng chiều dài khoảng 51 km. Tiến độ thi công chính thức dự kiến 30 tháng, dự kiến khởi công vào năm 2025.
Liên danh các nhà thầu cao tốc Vân Phong - Nha Trang gồm Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex, Công ty cổ phần Lizen vừa qua đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 7, chủ đầu tư dự án, thuộc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sớm đưa vào khai thác một phần dự án này.
Theo đó, các đơn vị thi công nỗ lực cho những phần việc còn lại với mong muốn sớm đưa vào khai thác hơn 68 km cao tốc Vân Phong - Nha Trang trước ngày 15/1/2025.