Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1).
Hiện tại, quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TP HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ quốc tế kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.
Qua khảo sát những năm gần đây cho thấy nhu cầu giao thương hai chiều từ khu vực TP HCM và tỉnh Tây Ninh đang tăng rất nhanh, dẫn tới thường xuyên ùn ứ, làm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá và đi lại, gia tăng tai nạn giao thông do tuyến QL 22 đã quá tải.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài đi qua địa phận 4 huyện bao gồm huyện Củ Chi (TP HCM) và ba huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Điểm đầu tại điểm giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối kết nối vào QL 22 (khoảng lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng chiều dài tuyến là 51 km. Trong đó, đoạn TP HCM dài khoảng 24,7 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài khoảng 26,3 km.
Việc xây dựng tuyến đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đang triển khai khác trong khu vực sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như mạng lưới đường cao tốc Quốc gia.
Đồng thời làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận Quốc tế nối TP HCM - Campuchia.
Tổng diện tích chiếm dụng đất thêm khoảng tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 409,3 ha, trong đó, đoạn qua TP HCM với 182,25 ha, gồm 17,43 ha đất ở; 3,83 ha đất ao, hồ, sông, suối, đường hiện hữu; 0,49 ha đất trồng cây lâu năm; 26,2 ha đất trồng cây hàng năm và 134,3 ha đất trồng lúa.
Đoạn qua tỉnh Tây Ninh với khoảng 227 ha, gồm 29 ha đất ở; 7,22 ha đất ao, hồ, sông, suối, đường hiện hữu; 29,22 ha đất trồng cây lâu năm; 9,74 ha đất trồng cây hàng năm và 152 ha đất trồng lúa..
Sơ bộ tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 566 hộ, trong đó, đoạn qua TP HCM có 103 hộ thuộc diện giải tỏa trắng và 98 hộ giải tỏa một phần; đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 182 hộ thuộc diện giải tỏa trắng và 183 hộ giải tỏa một phần Phạm vi giải phóng mặt bằng: thực hiện giải tỏa một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc.
Về hướng tuyến, tuyến bắt đầu bắt từ đường Vành đai 3, hướng tuyến cao tốc đi gần song song với đường xuyên Á (QL 22) và cách QL 22 về phía bên phải theo hướng tuyến (về phía Bắc) khoảng 2 km đến 4 km. Đoạn qua địa phận TP HCM, khi đến Tỉnh lộ 8 tuyến rẽ phải để tránh khu quân sự Đồng Dù (tuyến cách kho đạn K75 > 650m) sau đó rẽ trái khoảng Km16+000 để tuyến đi song song với đường sắt quy hoạch và đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến cắt qua ĐT 787B, đường Hồ Chí Minh, ĐT 782, QL 22B, tuyến đi đến khu vực Gò Dầu (Km36+300), tại đây tuyến rẽ trái tránh nhà máy gạch Phước Đông, sau đó tiếp tục rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 370, tuyến cắt QL 22B gần khu vực Km41+000, tuyến rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía QL 22 – giao với QL 22 tại Km53+850.
Về quy mô xây dựng dự án, xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Mộc bài với tổng chiều dài tuyến khoảng 51 km, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Phần tuyến chính có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 25,5 m, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Xây dựng 9 cầu vượt sông với tổng chiều dài khoảng 1339 m; xây dựng 17 cầu vượt ngang cao tốc với tổng chiều dài khoảng 3,4 km.
Đường gom sẽ bố trí đường gom dân sinh một bên hoặc hai bên với tổng chiều dài hơn 28 km có quy mô mặt cắt ngang 1 làn xe, chiều rộng mặt cắt ngang Bnền/Bmặt là 5 m/3,5 m.
Xây dựng 9 vị trí hầm chui dân sinh có kích thước 5m x 3,5 m (7 hầm chui trên địa bàn TP HCM; hai vị trí trên địa bàn tỉnh Tây Ninh). Xây dựng 4 nút giao khác mức liên thông giao Vành đai 3 (km0+000), Tỉnh lộ 8 (km8+935), ĐT 787B (km31+600) và QL 22B (Km45+00); một nút giao bằng tại QL 22 (km50+977).
Tổng mức đầu tư dự án là 19.617 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 9.674 tỷ đồng (cho công tác GPMB, xây dựng công trình) chiếm 49,31%; vốn Nhà đầu tư tham gia khoảng 9.943 tỷ đồng, chiếm 50,69%. Tiến độ thi công chính thức dự kiến 30 tháng, dự kiến khởi công vào năm 2025.
Bên cạnh việc tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, giai đoạn từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về quy hoạch hệ thống đường bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Cao tốc TP HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát; mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương.
Hoàn thành khép kín đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM. Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai 5 TP HCM kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và kết nối liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên.
Về đường sắt, vùng sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TP HCM; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối liên vùng TP HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến TP HCM - Lộc Ninh kết nối với Campuchia.
Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP HCM và kéo dài đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; nghiên cứu kéo dài đến Bà Rịa - Vũng Tàu khi điều kiện phù hợp. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Mộc Bài (Tây Ninh) - Bàu Bàng (Bình Dương) và các đoạn tuyến kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia hướng ra cảng biển cửa ngõ quốc tế.
Về cảng hàng không, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu hành khách/năm. Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, cảng hàng không Côn Đảo đạt công suất 2 triệu hành khách/năm.
Đưa cảng hàng không Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng, công suất 5 triệu hành khách/năm. Nghiên cứu xem xét, đầu tư xây dựng các sân bay lưỡng dụng, sân bay chuyên dùng tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay tiềm năng tại tỉnh Tây Ninh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; các tuyến đường sắt TP HCM - Tây Ninh, đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên từ Đà Nẵng đến Bình Phước.
Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ. Đầu tư xây dựng hình thành các khu bến cảng mới tại Cần Giờ. Hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP HCM.
Hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách/năm. Tiếp tục nâng công suất phục vụ của các cảng hàng không Côn Đảo và Biên Hòa.
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024
Quy hoạch 15:08 | 06/12/2024
Quy hoạch 15:28 | 02/12/2024