Năm 2002, anh Phạm Văn Hà (43 tuổi, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam) đi chăn trâu bò ở ven rừng, gặp con gà đang ấp trứng. Khi trâu bò đi qua, gà vùng khỏi tổ, anh phát hiện 7 quả trứng liền mang về nhà bỏ vào ổ gà đang ấp.
Nhiều người "xúi" anh đem luộc ăn vì cho rằng sẽ không thành công. Có người còn nói, gà rừng không nuôi được, rước chúng về nhà sẽ gặp họa vì bao đời nay không một ai nuôi chúng. Nhưng anh Hà không nghe. Sau gần 20 ngày chờ đợi, số trứng nở ra được ba con gồm hai mái, một trống.
Nhà anh Hà ở gần bìa rừng, mỗi vụ lúa chín gà rừng về ăn rất nhiều. Đã không ít lần anh đặt bẫy bắt nhằm nuôi làm cảnh nhưng bất thành. "Khi gà nở ra, mình mừng lắm nhưng nuôi chúng thì chưa biết cách thức thế nào", anh Hà kể.
Từ 7 quả trứng nhặt được, anh Phạm Văn Hà phát triển nuôi gà rừng, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh: Sơn Thủy.
Những ngày sau đó, anh tìm kiếm tài liệu kỹ thuật chăn nuôi gà rừng nhưng không có, đành tự mày mò. Gà được nuôi nhốt trong chuồng, nguồn thức ăn chính là côn trùng, đến lúc lớn kết hợp tập cho ăn thêm gạo, cám, cỏ và thóc.
Nuôi nhốt trong chuồng bộ lông gà không đẹp, anh Hà đưa lồng ra bìa rừng để chúng làm quen môi trường tự nhiên, sau đó mới thả rông. Mở cửa chuồng, tất cả gà bay vào rừng. Anh nghĩ chúng đã bỏ "chủ nhân" vào rừng sinh sống. Ai ngờ, sau 3 ngày gà bay về đậu xung quanh cây trong vườn. Anh đưa thức ăn thì chúng bay xuống mổ, đêm đến đưa gà vào chuồng.
Qua quá trình tìm hiểu, anh Hà từng bước xây dựng chế độ ăn uống một cách khoa học, cũng như nắm bắt thói quen của loài gia cầm này để giữ chân chúng. Để tập thói quen, mỗi bữa ăn anh huýt sáo kêu chúng về, cứ dần thành quen, đàn gà sáng ra đi ăn, chiều tối lại về chuồng.
Gà rừng làm tổ ấp nở như gà nhà. Ảnh: Sơn Thủy.
"Khó khăn nhất là việc tập cho gà rừng ở trong chuồng, bởi chúng thường đậu trên cành cây. Đêm xuống anh phải bắt gà vào chuồng, còn không là ngủ ngoài vườn hết. Dần dà thành quen, chúng cũng ngủ trong chuồng", anh Hà nói và cho biết nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, mua gà về nuôi nhưng đều thất bại bởi không kiên nhẫn.
Theo anh Hà, gà rừng có sức đề kháng cao, không cần nhiều thức ăn, ít dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon. Hiện thị trường rất dễ bán nên thu hồi vốn nhanh. Gà rừng sinh sản nhiều, mỗi năm đẻ 4-5 lứa, mỗi lứa 7-15 trứng.
"Đến nay trang trại có hơn 200 con gà rừng. Trung bình gà thịt giá 500.000 đồng/kg, gà giống cảnh 2 tháng tuổi giá một triệu đồng/cặp, còn gà trưởng thành giá 1,8-2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm trang trại nuôi gà rừng giúp tôi thu về gần 100 triệu đồng", anh Hà tiết lộ.
Đàn gà của anh Hà có thể nuôi bằng công nghiệp, nhưng lông không đẹp, bán gà cảnh không ai mua, do đó buộc phải thả vườn.
Đàn gà rừng được anh Hà thuần dưỡng, nuôi thả như gà nhà. Ảnh: Sơn Thủy.
"Trước đây tôi nghĩ chỉ nuôi vài con chơi cho vui, nhưng sau thấy nuôi gà rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra phong phú nên bắt đầu xem đây là nghề chính. Nuôi gà rừng không khó, chủ yếu là phải đam mê và hiểu tập tính của chúng mới có thành quả", anh Hà chia sẻ.
Đồng hành với phát triển gà rừng, tại trang trại của mình, anh đã đầu tư nuôi thêm gà chọi. Loại gà chọi giá rẻ nhất 500.000 đồng một con, còn loại "chiến" lên đến vài chục triệu đồng.
Anh Hà luôn trăn trở với việc bảo tồn những loài vốn sống trong môi trường tự nhiên nhưng nay khan hiếm do việc săn bắt tràn lan. Hiện anh đã nhân giống chim bìm bịp thành công, một loại chim quý được dân gian dùng ngâm rượu điều trị bệnh, bán với giá cao.
Sơn Thủy