Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa có buổi làm việc nghe các doanh nghiệp bất động sản nêu lên những khó khăn trong hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các khó khăn chủ yếu tập trung vào công tác giải phóng bồi thường chậm, vướng mắc gia hạn dự án, thuế, cơ chế tín dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... khiến doanh nghiệp không thể triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ông Lê Tự Tâm, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng 501 cho biết, việc giải phóng mặt bằng chậm khiến doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ dự án. Các cấp chính quyền cần có giải pháp cưỡng chế những trường hợp cố tình không chịu bàn giao mặt bằng. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho các dự án bất động sản được phân kỳ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu.
Cụ thể, trong trường hợp giải phóng trên 50% mặt bằng, nếu thực hiện xong các thủ tục tài chính và hoàn thành cơ sở hạ tầng đầy đủ thì doanh nghiệp có thể làm sổ đỏ để có tiền tiếp tục hoạt động, thi công, tránh những dự án do vướng giải tỏa đền bù mà doanh nghiệp mắc kẹt không thể triển khai.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Vinconex 25, thời gian đối với các dự án rất quan trọng nên địa phương cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm những thủ tục tồn tại hạn chế, nhất là lãi vốn vay ngân hàng. Ông Nhàn cho biết, bản thân đang đầu tư một dự án 300 tỷ đồng, vay ngân hàng lãi suất 12%, cứ chậm một ngày doanh nghiệp phải trả lãi hàng trăm triệu đồng.
Trước các ý kiến, lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định địa phương thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Song cũng nên nhìn lại quá khứ từ năm 2000 trở về trước khi Quảng Nam tạo điều kiện đầu tư dự án bất động sản, dẫn đến không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vào đầu tư với các dự án manh mún, bất cập…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có một phiên họp tháo gỡ, trên cơ sở đó UBND tỉnh sẽ triển khai cùng với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cơ quan ngân hàng, thuế, tài nguyên… cũng cần nắm rõ nội dung mà doanh nghiệp yêu cầu, những phản ánh chính xác, chính đáng thì phải tiếp thu và có biện pháp giải quyết.
Trước đó không lâu, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam đã thông tin hiện nhóm doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, cần kịp thời tháo gỡ.
Cụ thể, các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức phối hợp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Các trường hợp tranh chấp đất đai khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hòa giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn. Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế.
Nhiều cá nhân, hộ gia đình không đồng ý ký hồ sơ đề nghị công nhận đất ở; nhiều cá nhân, hộ gia đình không đồng ý phối hợp kiểm kê; không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án dự kiến) được công khai; không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, dẫn đến không thể trình thẩm định phương án theo quy định...
Đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận. Hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án.
Một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng của 2 dự án (1 dự án do công ty đang thực hiện và 1 dự án đầu tư công chưa thực hiện) yêu cầu 2 dự án triển khai cùng lúc để người dân ổn định đời sống và bố trí lại đất tái định cư. Công tác quản lý hiện trạng chưa được đảm bảo.
Cuối tháng 4/2023, tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo giao đất, cho thuê đất một lần đối với toàn bộ dự án hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án được cấp thẩm quyên phê duyệt. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư.
Do đó, hiện nay các dự án phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất. Thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý bàn giao đất.
Vì vậy, nhóm doanh nghiệp bất động sản đề nghị triển khai thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Đồng thời, đề nghị địa phương có hướng tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp không đồng ý ký hồ sơ công nhận đất ở (đất sử dụng trước năm 1980, nhưng vướng mắc hồ sơ 299), không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, các trường hợp tranh chấp đất đai kéo dài.
Đề xuất tăng đơn giá bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu để nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng tại các dự án.