Hài kịch 'Xóm nghèo thất thủ' giành giải quán quân Làng hài mở hội |
Tác giả cho các tiết mục hài kịch của đội Xém Cười dù rất sợ lửa nhưng để người xem có cảm giác chân thật, anh vẫn liều lĩnh chơi lửa ngay trên sân khấu trong đêm chung kết. |
Giành ngôi vị quán quân chương trình Làng hài mở hội 2016, đội Xém Cười đã xuất sắc chinh phục được công chúng với chiến thuật “hài đường phố”.
Trong khi các đối thủ khác như Dí Dỏm, Đồng Dao hay Ngũ Sắc có nhiều màu sắc đa dạng như kiếm hiệp, cổ tích… thì các tác phẩm của Xém Cười đều chỉ tập trung khai thác vấn đề trong xã hội và và đặc biệt là gắn liền với cuộc sống của người dân lao động.
Huỳnh Tiến Khoa, Trưởng nhóm Xém Cười cho biết, người nghèo hiện vẫn chiếm đa số nên họ chính là đối tượng khán giả mà chúng tôi hướng đến. Họ có nhiều nỗi lo toan, mưu sinh nên rất cần nụ cười để sống. Bên cạnh đó, Khoa vốn xuất thân từ xóm lao động nghèo ở quận Gò Vấp, ba mẹ đi làm suốt ngày nên chỉ sống một mình thui thủi bên cạnh những người hàng xóm.
Thủ lĩnh mới của làng hài kịch Việt nhớ lại cuộc sống khi nhỏ, trong xóm trọ nghèo, đa phần là người nhập cư, tứ xứ nên cũng có nhiều thành phần. Chuyện gây gổ nhau thường xuyên xảy ra, giống như cơm bữa. Thế nhưng, khi một người gặp chuyện thì cả xóm lại có mặt để giúp đỡ ngay. “Chính những điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, lối sống của tôi. Lựa chọn thông điệp trong các kịch bản của Xém Cười đều hướng đến mục đích là cô đọng, truyền tải mặt tích cực, tinh thần lạc quan, sẻ chia cùng những người lao động”, Khoa nói.
Cuộc sống của một bộ phận người nghèo được đưa chân thực lên sân khấu hài kịch. |
Tiểu phẩm Xóm nghèo thất thủ trong đêm chung kết, không chỉ lột tả cuộc sống mưu sinh nhiều bi hài của những người lao động nhập cư mà còn làm tròn sứ mệnh dẫn dắt, giúp người xem cảm nhận chân thật cuộc sống khổ cực của họ. Huỳnh Tiến Khoa chia sẻ, đề tài đường phố tưởng dễ nhưng không hề dễ tí nào. Để ra được một kịch bản đi sát với nhu cầu của khán giả thì biên kịch phải đặt mình trong hoàn cảnh của họ.
Đấy là lý do dù rất sợ lửa do từng bị rơi vào cảnh cháy nhà, bị mắc kẹt bên trong nhưng anh vẫn cùng đồng đội hết sức liều lĩnh “chơi” lửa trên sân khấu. Tiến Khoa nói muốn mang đến cho người xem cảm giác thật chứ không phải chỉ là hình ảnh ước lệ được truyền tải bởi hiệu ứng sân khấu, ánh sáng quen thuộc.
Không chỉ chú trọng tiếng cười, các tác phẩm của đội chơi còn thường lồng ghép thêm vào những loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp khác như: võ thuật, ảo thuật, âm nhạc, thể hình… Tác giả cho cho các tiết mục của đội Xém Cười tiết lộ: “Hài có nhiều loại như: hài lời, hài châm biếm, hài trào phúng… nhưng thế mạnh của Khoa là hài tình huống, nhịp kịch phải náo, diễn ra liên tục. Quan điểm của Khoa là làm hài thì không được giáo điều, nói suông. Các sự kiện được diễn ra liên tục bằng hành động để khán giả được thấy chứ không chỉ nghe”.
Theo Huỳnh Tiến Khoa, người nghèo phải đối diện với quá nhiều nỗi lo nên nụ cười là rất cần thiết để họ lạc quan hơn. |
Về chuyện đem Tổ nghiệp lên sân khấu để thu hút khán giả, Huỳnh Tiến Khoa thẳng thắn phản đối: “Tôi là người sống duy tâm, rất kính trọng, tôn sùng Tổ nghiệp nhưng tín ngưỡng nên để trong tâm chứ không nhất nhiết lúc nào cũng phải đem lên sân khấu để người khác biết. Điều quan trọng, Tổ nghiệp sân khấu chỉ có diễn viên biết chứ khán giả thì không. Trong khi đó, tác phẩm của người nghệ sĩ làm ra là để phục vụ khán giả chứ không phải bản thân mình. Vì vậy, khán giả cần gì, mình diễn cái đó. Mặt khác, Khoa muốn gửi thông điệp mà khán giả cần chứ không phải sự chủ quan của người đạo diễn, biên kịch”.
Với mong muốn “Nụ cười chỉ trọn vẹn khi có ý nghĩa”, đội Xém Cười đã trích 100 triệu đồng từ tiền thưởng để trao 2 căn nhà tình thương cho người nghèo. Sắp tới, Huỳnh Tiến Khoa tiếp tục dẫn dắt đội Xém Cười thực hiện dự án gây quỹ học bổng giúp đỡ các trẻ em nghèo bằng các đêm diễn miễn phí phục vụ các khán giả là học sinh, sinh viên và công nhân trong các khu công nghiệp.