Theo báo Chính phủ, báo cáo về tình hình nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra.
Ông Khiết nhận định, công tác xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn thứ nhất đến từ việc xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước. Nguyên nhân là do Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Thứ hai là khó khăn về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra còn có khó khăn trong việc xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội của chủ đầu tư, cùng nhiều khó khăn về mặt pháp lý khác.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội của chủ đầu tư. Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, từ năm 2018, chi nhánh được Trung ương giao vốn để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ với lãi suất là 4,8%/năm trong 25 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm, chi nhánh này chỉ cho được 310 khách hàng vay số tiền khoảng 150 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, nguyên nhân khiến ít người tiếp cận được gói vay lãi suất thấp này, ngoài lý do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội còn do số tiền để mua được nhà ở xã hội vẫn lớn so với những người thu nhập thấp.
Ông Lệnh kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa với các trường hợp vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, từ 500 triệu đồng lên không quá 1 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận, tất cả các dự án nhà ở hiện này đều bị "tắc" ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tiếp tục tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến thủ tục trong chấp thuận chủ trương đầu tư để gỡ vướng cho các dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND thành phố về kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, bảo đảm quỹ đất để thực hiện các dự án phát triển nhà ở, tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính xây dựng dự toán ngân sách hằng năm đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ…