Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến phản ánh của báo chí về tình trạng thiếu nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao tại các khu công nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát có điều hành phù hợp.
Theo báo cáo của CBRE, dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Tính đến quí III/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) đạt 13.800 ha với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuế.
Tỉ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.
Đối với thị trường Miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị truường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000 ha trong đó 24.000 ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
Tuy nhiên, CBRE ghi nhận nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm.
Trong khi đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn và duy trì được mức giá và tỉ lệ lấp đầy vượt trội.
“Các khu vực ven biển của Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến xu hướng tương tự, đón nhận thêm nhiều nhu cầu đầu tư từ cả doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia”, CBRE dự báo.
Còn theo Savills, bất động sản công nghiệp đang được hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Tuy nhiên, xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Tây Ninh, Vĩnh Long,...
Ông John Campbell, Quản lí bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, đây có thể coi là một sự diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác.
Nguyên nhân là do diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên và ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đang dần trở nên khan hiếm.
"Một số công ty đang xem xét các tỉnh cấp 2 thay thế và đó là lí do xuất hiện các thương vụ đầu tư sản xuất lớn vào các địa điểm trên. Đơn cử, Tập đoàn Jinyu Tire (Hong Kong) đầu tư 300 triệu USD vào khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy các khoản đầu tư lớn vào Vĩnh Long", ông John Campbell cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, các địa điểm kể trên không những có nguồn quĩ đất lớn mà giá thuê còn ở mức cạnh tranh, rẻ hơn rất nhiều so với TP HCM, Bình Dương, Long An.