Thủ tướng Chính phủ: Sẽ thu hồi dự án không triển khai, để đất hoang hóa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, TP kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản; đặc biệt dự án cao cấp đã có quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm để kiên quyết thu hồi.

Kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, để đất hoang hóa

Thủ tướng Chính phủ (TTCP) vừa có chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. 

Thủ tướng Chính phủ: Sẽ thu hồi dự án không triển khai, để đất hoang hóa - Ảnh 1.

Dự án khu đô thị Tiền Phong (Mê Linh) biến thành bãi chăn thả trâu bò sau hơn một thập kỉ triển khai. (Ảnh: MT).

Đáng chú ý, TTCP yêu cầu các tỉnh, TP kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, đặc biệt dự án cao cấp đã có quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm, để kiên quyết thu hồi.

Cụ thể, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm sẽ kiên quyết thu hồi theo qui định của pháp luật về đất đai. Với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh qui mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quí III/2019.

Đồng thời, chỉ thị của TTCP nêu rõ, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn.

Để giảm thiểu tình trạng để đất hoang hóa, TTCP chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn lực, đầu tư các cơ sở hạ tầng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Nguồn vốn đầu tư để phát triển nhà ở xã hội dựa vào tiền thu được từ quĩ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có qui mô dưới 10 ha theo qui định. 

Tuy nhiên, chỉ thị cũng đánh giá, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lí, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Cũng theo TTCP, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở hiện nay còn khá cao so với thu nhập của người dân.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lí về tình trạng đất bỏ hoang tại nhiều dự án khu đô thị tại huyện Mê Linh (Hà Nội).

Chỉ đạo này được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông phản ánh, tại địa phương này hiện có gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí. Đây hầu hết là những dự án được phê duyệt trong giai đoạn 2008 - 2010, sau khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội.

Theo thống kê, huyện Mê Linh có 47 dự án bất động sản nhà ở, đô thị được phê duyệt, trong đó 18 dự án được kí trong vòng một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực.



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.